Sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, như: chưa có cơ chế pháp lý đầy đủ đảm bảo chuyển dịch từ chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, điện gió ngoài khơi sang chính sách cạnh tranh để hướng tới cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…
Do đó, Bộ Công thương đã tham mưu để Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Điện lực năm 2004.
Đáng chú ý, Điều 5 dự thảo luật quy định xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý và xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, việc thu hút vốn xã hội hóa, vận hành trong khâu truyền tải điện phải đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nhà nước giữ độc quyền về điều độ hệ thống điện; các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp và lưới truyền tải điện quan trọng (trừ lưới đấu nối nguồn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, vận hành).
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) Lê Quang Huy, cho biết Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với việc bổ sung các nội dung về chính sách của Nhà nước đối với phát triển điện lực; nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi luật cần tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia; tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh; không hợp thức hóa các sai phạm trong lĩnh vực điện lực…
Về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như bảo đảm an ninh cung cấp điện và an toàn hệ thống điện; đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng của hệ thống điện; đồng bộ kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Về giá điện và giá các dịch vụ về điện, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện.
Ủy ban nhất trí việc bổ sung các chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực. Nhưng, có ý kiến cho rằng, quy định Nhà nước độc quyền đầu tư các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp là quá rộng. Trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế, nhu cầu sử dụng điện lại cao, cần có cơ chế để huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư ở những hoạt động mà không bắt buộc Nhà nước phải độc quyền. Việc quy định quá rộng các hoạt động mà Nhà nước độc quyền sẽ làm hạn chế cơ hội huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện lực.
Qua thảo luận, đa số ủy viên UBTVQH hội tán thành việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), đồng thời góp ý nhiều vấn đề cụ thể. Dự kiến trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp vào tháng 10 tới.
Kết luận thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ, giải trình, thuyết phục các ý kiến tham gia để sớm trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và trình Quốc hội xem xét, quyết định.