Đồng thời, khu vực kinh tế - tài chính đối mặt nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn (khả năng chống chịu giảm xuống) nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.
PHÓNG VIÊN: Từ những biến động ngày càng nhanh, khó lường của thế giới, và những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp, nền kinh tế đang gặp phải, ông thấy tính cấp thiết của việc nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế hiện nay?
- TS CẤN VĂN LỰC: Rủi ro, thách thức tiềm ẩn của nền kinh tế Việt Nam khá lớn, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng như: độ mở thương mại đứng thứ 5 ở châu Á (kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương 184% GDP năm 2021, xếp thứ 11/174 quốc gia trên thế giới); phụ thuộc nhiều vào khối FDI (xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu chiếm 65,6% tổng kim ngạch cả nước); trình độ phát triển công nghiệp hỗ trợ và mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu vẫn ở mức thấp…
Vì thế, việc nâng cao tính độc lập, tự chủ, tự cường và năng lực chống chịu của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, xu thế chuyển đổi số và tăng trưởng xanh cùng với thích ứng biến đổi khí hậu.
- Ông và nhóm nghiên cứu đã đưa ra khung phân tích đánh giá năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam...
- Sức chống chịu của nền kinh tế dựa trên 3 trụ cột (kinh tế, chính trị - xã hội và môi trường) giúp chúng ta ứng phó linh hoạt, phù hợp, giảm thiểu rủi ro do các cú sốc về kinh tế, địa chính trị, biến đổi khí hậu, môi trường. Chúng tôi chưa thể đưa ra khung phân tích để đánh giá tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế một cách cụ thể, khoa học, nhưng đã xây dựng khung phân tích và đánh giá năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Kết quả sơ bộ cho thấy, năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình khá.
Trong đó, các chỉ tiêu thể chế và quản trị vĩ mô, chỉ tiêu kinh tế - tài chính đạt điểm số ở mức khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường và xã hội hầu hết ở mức thấp, trung bình thấp. Phải lưu ý rằng, sức chống chịu và khả năng thích ứng là yếu tố vô cùng quan trọng, tạo hệ thống phòng vệ vững chắc bảo vệ nền kinh tế - tài chính, hệ thống doanh nghiệp và thị trường trong nước.
- Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế, Việt Nam cần làm gì?
- Trước hết, Việt Nam cần xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế theo chuẩn quốc tế. Thứ hai, cần tăng cường phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tiền tệ, tài khóa, giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững. Thứ ba là đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Thứ tư là có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam. Thứ năm là có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế, nhất là các nguồn lực về tài chính, công nghệ - kỹ thuật, năng lực chuyên môn - kỹ năng.
Trong đó, cần coi trọng nguồn lực kinh tế tư nhân trong nước, nguồn lực nước ngoài và nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Quan trọng hơn là sử dụng hiệu quả và minh bạch các nguồn lực đó. Thứ sáu là nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, truyền thông về văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh, văn hóa tự chủ, tự cường trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp.
- Ông đánh giá thế nào về sự phối hợp chính sách hiện nay và để sự phối hợp thật tốt, đem lại hiệu quả thì cần làm gì?
- Theo khung phân tích của chúng tôi, trong bối cảnh rủi ro, thách thức gia tăng, sự phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa của Việt Nam ngày càng nhịp nhàng, hiệu quả hơn, góp phần ổn định đời sống, phục hồi kinh tế. Với sự phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ tương đối tốt và quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công của Chính phủ, điểm số của chỉ số này ở mức 0,62 điểm (tương đương với giai đoạn ổn định toàn cầu 2011-2018).
Tuy nhiên, việc phối hợp và thực thi chính sách còn có một số hạn chế: một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công còn chậm; một số chính sách đưa ra còn ở thế bị động, có thời điểm còn giật cục…
Tiếp đến, cần xây dựng kế hoạch ngân sách trung - dài hạn, lạm phát mục tiêu và điều hành theo lạm phát mục tiêu, từ đó có cơ sở đánh giá, lượng hóa chính xác hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Cùng với đó là thị trường xăng dầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; rủi ro áp lực tỷ giá, lãi suất tăng là còn lớn. Vì thế, cần tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối cùng năng lực dự trữ khác (xăng dầu, lương thực, y tế, thuốc men...); điều hành tỷ giá và lãi suất cân bằng, linh hoạt; chú trọng kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính - bất động sản… Đây vừa là giải pháp trước mắt nhưng cũng là lâu dài.
- TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Cần có đội ngũ doanh nghiệp nội địa mạnh Để tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, thứ nhất, cần đổi mới quản trị nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Đây là phương thức không tốn tiền nhưng vẫn tận dụng được các nguồn lực hiện có. Trong đó, đặc biệt cần chú trọng củng cố bộ máy quản lý doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai là tính linh hoạt, chủ động của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ nên có ưu thế là khả năng chuyển đổi nhanh, hậu quả ít, nhưng điểm yếu là không tạo ra được sự liên kết cũng như cú hích đủ lớn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các doanh nghiệp lớn có thể thay đổi cả bộ mặt quốc gia. Vì thế, chúng ta cần có đội ngũ doanh nghiệp nội địa mạnh và có nhiều tập đoàn kinh tế lớn. - TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Các nguồn lực phải được sử dụng hiệu quả Kinh tế thế giới biến động, dù nhỏ hay lớn đều tác động đến Việt Nam ở mức độ này hay mức độ khác và những tác động đó ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta cũng không thể thu hẹp độ mở vì sẽ khiến nền kinh tế rơi vào giảm tốc, suy thoái. Nhưng, chúng ta phải có nguồn lực để chống chọi, không rơi vào vòng xoáy của bất ổn và bất định đó. Vì vậy, phải xây dựng được nền kinh tế độc lập tự chủ, hạn chế những tác động tiêu cực từ bên ngoài, ví dụ tác động 100 thì chỉ còn 40-50. Muốn thế thì nền kinh tế luôn phải có vùng đệm, giống như vùng dự trữ để có dư địa chính sách phản ứng, chống chọi lại những tác động từ bên ngoài. Các cân đối lớn của nền kinh tế phải được bảo đảm để giảm lệ thuộc. Và, quan trọng là phải xây dựng được một nền kinh tế nội địa mạnh, một khu vực doanh nghiệp nội địa vững vàng. Các nguồn lực khan hiếm như đất đai, tài nguyên phải sử dụng hiệu quả. - TS VÕ TRÍ THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Tăng năng lực chống chịu và cải thiện năng lực nội sinh của nền kinh tế Độc lập, tự chủ về kinh tế của quốc gia tức là cái quyền được đặt ra chính sách, đường hướng và thực thi. Chúng ta không chỉ chấp nhận luật chơi mà chuyển sang tham gia xây dựng luật chơi. Để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hiện nay là cần tăng năng lực chống chịu và cải thiện năng lực nội sinh của nền kinh tế. Theo đó, cần ổn định kinh tế vĩ mô và sự lành mạnh của hệ thống tài chính, tiền tệ. Chính sách tài chính, tiền tệ cần tạo được “tấm đệm” nguồn lực; bảo đảm đủ và chủ động được những hàng hóa cơ bản, hàng hóa chiến lược như năng lượng, lương thực thực phẩm, thiết bị y tế... HÀ LINH thực hiện |