Hướng tới xây dựng nền kinh tế tự chủ: Đầu tư đồng bộ để doanh nghiệp nội phát triển

Để giúp doanh nghiệp (DN) nội có cơ hội “thay đổi và phát triển”, cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố quan trọng là chuyển đổi số - vốn - nguồn nhân lực. Việc đầu tư này không chỉ đòi hỏi tự thân DN phải cố gắng mà còn cần sự đồng bộ về chủ trương, chính sách từ cấp trung ương tới địa phương.

Chấp nhận rủi ro để tận dụng cơ hội

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích, dịch Covid-19 bùng phát đã gây xáo trộn đáng kể đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhận diện rõ nhất là sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu từ đơn cực sang đa cực. Và Việt Nam được đánh giá có lợi khi được xem là “vịnh tránh bão” của các dòng vốn đầu tư nước ngoài và các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hướng tới xây dựng nền kinh tế tự chủ: Đầu tư đồng bộ để doanh nghiệp nội phát triển ảnh 1 Dây chuyền sản xuất tôn màu của doanh nghiệp Tôn Hoa Sen. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trên thực tế, tính đến 10 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã chạm ngưỡng 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ khi nào DN Việt Nam đủ lực để hấp thụ dòng vốn nước ngoài thì mới xây dựng được nền kinh tế phát triển năng động, nhanh, bền vững, độc lập và tự chủ. Muốn được vậy, DN nội cần phải được trợ lực bởi 3 trụ cột: chuyển đổi số - vốn - nguồn nhân lực.

Chuyển đổi số là yếu tố bắt buộc sống còn của DN. Thế nhưng, để có thể “gạn đục, khơi trong” trước “ma trận” DN tư vấn và thực hiện triển khai chuyển đổi số, cơ quan chức năng cần có hành lang pháp lý cũng như tiêu chuẩn về chất lượng cho phần mềm chuyển đổi số. Điều này sẽ tạo được sự đồng bộ với nền tảng chuyển đổi số dịch vụ hành chính công, tạo sự tương thích và thuận lợi trong quá trình vận hành của DN. “Khi quyết định triển khai chuyển đổi số, để tránh rủi ro, DN cần có sự chuẩn bị nhất định về nhân sự vận hành, tiếp nhận, ứng dụng. Cùng với đó, cơ quan chức năng phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của DN”, bà Lâm Thúy Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX - TM Mebipha, chia sẻ.

Nhiều ý kiến từ phía DN cũng cho rằng, cần thay đổi tư duy về đào tạo nguồn nhân lực; tùy lĩnh vực ngành nghề mà nguồn nhân lực có những yêu cầu và tiêu chuẩn đào tạo riêng. Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng, cần có cơ chế liên thông liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học kết hợp đơn đặt hàng trực tiếp từ DN. Từ đó xây dựng giáo trình đào tạo sát thực tế, kết hợp thực hành thực tiễn tại các DN. Như vậy vừa nâng cao hiệu quả đào tạo vừa giúp DN rút ngắn thời gian cũng như tiết giảm chi phí đào tạo lại nguồn nhân lực. Còn về phía các địa phương, và cao hơn ở cấp trung ương, cần sớm có kênh thông tin cung và cầu lao động, chi tiết theo ngành, nghề, trình độ, khu vực... để các bên liên quan tham gia thị trường lao động.

Ông Nguyễn Đăng Hải, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ KH-CN, nhận định, để có thể thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ trong thời gian tới, cần thiết thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt khác, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, huy động nguồn lực xã hội cho chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, từng bước góp phần nâng cao năng lực quản trị nhà nước đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghĩ lớn để vươn xa

“Một yếu tố hết sức quan trọng để DN Việt vực dậy nội lực chính là yếu tố vốn. Do vậy, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tiến độ giải ngân các gói vốn hỗ trợ DN phục hồi sản xuất. Nhất thiết phải sớm “bơm vốn” cho nền kinh tế để nắm bắt cơ hội bứt phá cho nền kinh tế”, PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, có vai trò đòn bẩy cho phát triển kinh tế thì Nhà nước cũng nên đa dạng nguồn vốn vay cho DN. “Nên chăng, xã hội hóa quỹ đầu tư theo hướng cho phép tư nhân tham gia thành lập quỹ đầu tư để tăng nguồn vốn “bơm” cho hoạt động sản xuất, thương mại và khởi nghiệp sáng tạo”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM, nêu ý kiến.

Ngoài ra, tuy DN cần được hỗ trợ vốn, nhưng chính sách hỗ trợ phải phù hợp với từng lĩnh vực sản xuất thì DN mới có cơ hội để “hấp thụ”. Ví dụ, với DN sản xuất, ngoài chính sách hỗ trợ cho vay vốn đầu tư, cần có thêm chính sách cho vay vốn vay lưu động và quỹ đầu tư rủi ro.

Ở góc độ khác, DN Việt cần tự tin nghĩ lớn để vươn xa. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, khẳng định, việc xuất khẩu gạo bằng thương hiệu Việt “Cơm VietNam Rice” vào 4.000 điểm bán tại thị trường châu Âu đã tạo ra sự đột phá trong hoạt động này. Trước nay, DN nội chỉ “quen” xuất khẩu thô cho DN nước ngoài thì nay, không chỉ Lộc Trời mà nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đã mạnh dạn tiếp cận trực tiếp với thị trường nước ngoài. Để làm được như vậy, các DN đã hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ, khoa học tiên tiến kết hợp kiểm soát chặt chất lượng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cây trồng. Về phần mình, DN chủ động cải tiến bao bì sản phẩm, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu và nỗ lực đưa sản phẩm Việt ra thị trường thế giới.

Đồng thuận vấn đề trên, ông Lê Duy Toàn, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Duy Anh, cho biết, tuy công ty có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nhưng những sản phẩm như Bún ngũ cốc - Mr Rice và Bún dưa hấu - Mr Rice của công ty đã đoạt giải thưởng cao trên trường quốc tế. Tại Pháp, sản phẩm của công ty đã đoạt giải thưởng “sản phẩm xu hướng”; hay tại Thái Lan, sản phẩm Bún dưa hấu - Mr Rice đã đoạt giải thưởng quốc tế “sản phẩm đổi mới sáng tạo”. Vấn đề ở đây là DN Việt dám nghĩ lớn để tạo nên sự đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ở quy mô lớn hơn, Công ty cổ phần Sữa Vinamilk đã khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình trên thị trường thế giới bằng hàng loạt thương hiệu sữa và các sản phẩm từ sữa “make in VietNam”. Các sản phẩm sữa organic, sữa đậu nành hạt, trà sữa… mang thương hiệu Vinamilk của công ty đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Trung Đông…

Có thể nói, đồng bộ được những giải pháp trên, Việt Nam tận dụng “thời cơ vàng” để mở rộng thị phần (thông qua mạng lưới hiệp định thương mại tự do) và “hấp thụ” dòng vốn ngoại đang đổ mạnh vào Việt Nam... - DN nội sẽ có cơ hội thay đổi và lớn mạnh.

Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:


Thị trường lao động được coi như một “đầu tàu” để kéo theo sự chuyển động của các thị trường khác và của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, việc hoàn thiện chính sách và quản trị quốc gia về lao động có ý nghĩa quan trọng tới phát triển thị trường lao động của các nước, trong đó có Việt Nam.

Cùng với đó, tập trung hoàn thiện thể chế hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trong nước, ngoài nước hỗ trợ phát triển lưới an sinh xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Quan trọng hơn, cần sửa đổi toàn diện chính sách về nhà ở xã hội, hình thành chính sách mới về nhà ở cho công nhân, tập trung nguồn lực xây dựng nhà ở cho công nhân và nâng cấp chuẩn nhà trọ hiện hữu, giúp người lao động không ngừng được cải thiện cuộc sống.


TS NGUYỄN THANH BÌNH, Học viện Ngân hàng:


Báo cáo của Google và Temasek (Singapore) cho thấy, kinh tế số của Việt Nam đạt quy mô 30 tỷ USD vào năm 2025. GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, có một thực tế là cả nước có 96% DN sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, và 76% trong số này chưa sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số. Nguyên nhân được các DN đưa ra là không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, chưa tìm được mô hình phù hợp với đặc thù của riêng mình và cũng chưa tìm được đối tác đồng hành.

Để quá trình chuyển đổi số của các DN thực hiện một cách nhanh, hiệu quả và bền vững, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các DN về chuyển đổi số. Kế đến là chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ phù hợp với tốc độ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia, tốc độ phát triển của internet, các ứng dụng của các công nghệ mới do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Tin cùng chuyên mục