Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM và PGS-TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM, đồng chủ trì hội thảo. 69 tham luận của chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các sở ngành; hơn 10 ý kiến trực tiếp tại hội thảo và các điểm cầu trực tuyến đã làm rõ thêm các vấn đề về khoa học và thực tiễn, những yêu cầu và giải pháp khi xây dựng thành phố văn hóa, hiện đại, nghĩa tình.
Khát vọng của nhân dân TPHCM
Trong đề dẫn khai mạc hội thảo, GS-TS Nguyễn Văn Phước đã đi thẳng vào những bất cập, hạn chế trong quá trình phát triển của TPHCM đã tác động lớn đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đó là: Văn hóa chưa được coi trọng và đầu tư đúng tầm, chưa phát triển tương xứng, đồng bộ với kinh tế và chính trị; môi trường văn hóa còn bị ô nhiễm bởi nạn tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội; một số giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị phai nhạt, hiện tượng lai căng, nhố nhăng, phản cảm, thậm chí là phản giá trị, vô văn hóa… có xu hướng lan rộng.
TS Lê Thái Hỷ, thành viên Hội đồng Khoa học TPHCM, cho rằng, để thực hiện mục tiêu xây dựng “Thành phố văn hóa, hiện đại, nghĩa tình” trong thời gian 10 năm, phải có sự nhận thức và thấu hiểu đúng và trúng những vấn đề liên quan; định vị, đánh giá hiện trạng văn hóa thành phố mới nói đến hành động cụ thể, phù hợp với nguồn lực của TPHCM. Từ đó, xác định sự phát triển của TPHCM theo 3 trụ cột chính: kinh tế, môi trường và văn hóa. Trong đó, văn hóa là trụ cột có chức năng soi sáng đường hướng phát triển của mọi lĩnh vực, bảo đảm môi trường sống ngày càng phong phú, tiến bộ và nhân văn cho xã hội và con người TPHCM.
"Có tầm nhìn phát triển đô thị toàn cầu và tầm nhìn phát triển quốc gia nhưng phải hiểu và hành động từ thực tế đặc thù địa phương. Đồng thời phải xây dựng thành phố văn hóa, hiện đại, sống tốt, hạnh phúc phù hợp với thực tiễn TPHCM và xu hướng, thông lệ phát triển thành phố toàn cầu, văn hóa đô thị trên thế giới trong tương lai để tránh bất cập, lạc hậu, lạc lõng", TS Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam TPHCM |
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, khái quát nguồn gốc, quá trình di dân hơn 300 năm trước đã định hình đặc tính của cư dân Sài Gòn - TPHCM ngày nay, là sự mạnh mẽ, vừa phiêu lưu, sáng tạo vừa nghĩa hiệp, tình người. Những giá trị cốt lõi đó đã thúc đẩy sự phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Chính vì vậy, trong mục tiêu phát triển TPHCM của thời kỳ hội nhập, kỹ thuật, công nghệ cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn xác định mục tiêu phát huy và truyền giữ những giá trị bản sắc, truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Sài Gòn - TPHCM, hiện thực hóa khát vọng về một “Thành phố văn hóa, hiện đại, nghĩa tình”.
Gắn văn hóa, hiện đại, nghĩa tình với chiến lược xây dựng TPHCM
Tại hội thảo, nhóm giải pháp của PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, đưa ra được đánh giá cao. Đó là phát triển văn hóa, con người và xã hội trên cơ sở xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh mẽ thông tin truyền thông; xây dựng đô thị thông minh và xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật, thể thao lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Bên cạnh đó là nhóm giải pháp liên quan đến nội dung xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong không gian văn hóa TPHCM.
Một giải pháp quan trọng khác được TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đưa ra, đó là nuôi dưỡng văn hóa học suốt đời trong nhân dân. Học suốt đời giúp con người tự phát triển, đối phó hiệu quả hơn các thách thức đã, đang và sẽ còn nảy sinh trong đời sống tự nhiên và xã hội. Và học suốt đời phải là cách học được cổ súy, nuôi dưỡng, phát triển thành một nét văn hóa thấm sâu vào đời sống văn hóa của từng người, của mọi cộng đồng lớn nhỏ, mọi tầng lớp dân cư, mọi nghề nghiệp xã hội, mọi trình độ học vấn. TS Vũ Thị Mai Oanh, Học viện Cán bộ TPHCM, kiến nghị cần dành quỹ đất cho phát triển hạ tầng văn hóa và con người, nâng cao năng lực quản lý quy hoạch đô thị và xây dựng, hiện đại hóa công tác bảo tồn, bảo tàng, phổ biến các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể của TPHCM.