Hướng tới thành phố phát triển xanh, bền vững

Với việc khẩn trương phối hợp các cơ quan Trung ương xây dựng chính sách thí điểm các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và sử dụng mái nhà là tài sản công để lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98), TPHCM đang từng bước hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đầu tư cho tương lai

Nghị quyết 98 cho phép ngân sách TPHCM được hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon và HĐND TPHCM quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố. Hiện nay, TPHCM đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng nghị định của Chính phủ hướng dẫn triển khai chính sách này.

Chia sẻ về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, GS-TS Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) đánh giá, thị trường carbon là công cụ kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Thị trường carbon cho phép các tổ chức mua bán, trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và một tỷ lệ nhất định các tín chỉ carbon với 2 loại, gồm thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện.

Thực tế thị trường carbon bắt buộc đã giúp giảm phát thải khí nhà kính trong khu vực Liên minh châu Âu hơn 40% kể từ năm 2005. Còn thị trường tự nguyện cho phép các cá nhân, tổ chức mua và bán tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải carbon dư thừa hoặc không thể tránh khỏi trên cơ sở tự nguyện.

Phân tích thêm, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho rằng, trong tình hình hiện nay, các quy định quốc tế về giao dịch tín chỉ carbon bắt buộc giữa các quốc gia chưa được chặt chẽ. Do đó, trước mắt chúng ta có thể tiếp cận trên thị trường tự nguyện theo tỷ lệ nhất định để thực hiện cam kết của Việt Nam là góp phần đạt các mục tiêu giảm khí thải CO2 hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050.

Tại TPHCM, huyện Cần Giờ được kỳ vọng sẽ trở thành địa phương tiên phong đạt mục tiêu “net zero” vào năm 2035. Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho biết, để thực hiện mục tiêu này, huyện đang nghiên cứu và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó, huyện xây dựng đề án phát triển toàn diện các loại hình thương mại - dịch vụ kinh tế biển theo hướng kinh tế biển xanh và kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ.

n4b-3629.jpg
Du khách tham quan mảng xanh tại Khu du lịch Vàm Sát, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Huyện Cần Giờ cũng phối hợp Sở Du lịch TPHCM phát triển du lịch theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, hướng tới mô hình du lịch sinh thái và sinh thái chất lượng cao; truyền thông và nhận thức cộng đồng về chương trình Cần Giờ xanh. Cùng với đó là các phương án xử lý chai nhựa, tái chế nhựa; quy đổi các giải pháp xanh ra tín chỉ carbon; phát triển giao thông xanh, xây dựng mô hình phát triển đô thị sinh thái bền vững, thông minh và phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD); chuyển đổi xe dùng xăng sang xe điện thân thiện môi trường. Huyện cũng đề xuất thí điểm điện mặt trời mái nhà cho cả công sở, tư nhân và bãi muối…

Sớm hoàn thiện chính sách

Định hướng phát triển xanh, bền vững được TPHCM triển khai xuyên suốt những năm qua. Trong các cuộc làm việc với huyện Cần Giờ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhiều lần yêu cầu huyện phải tập trung các giải pháp phát triển kinh tế xanh, giao thông xanh, hình thành các khu dân cư xanh. Trong đó, phải hướng đến mục tiêu 100% phương tiện khi đến Cần Giờ phải là xe điện.

Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã đề xuất UBND thành phố trình HĐND TPHCM xây dựng nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với cá nhân, hộ gia đình thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch. Đây là bước đi cụ thể thực hiện mục tiêu xây dựng chương trình hành động vì một Cần Giờ xanh, kiểm soát khí thải, góp phần đưa Cần Giờ hoàn thành mục tiêu “net zero”.

Cùng với tín chỉ carbon, Nghị quyết 98 cho phép TPHCM sử dụng mái nhà là tài sản công để thí điểm lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở. Theo Sở Công thương TPHCM, thành phố có khoảng 2.619 tòa nhà là tài sản công đủ điều kiện lắp đặt điện mặt trời mái nhà. TPHCM cũng đặt ra các mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà; đến hết năm 2025 có 100% hệ thống chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.

n1b-4033.jpg
Du khách thích thú tham quan mảng xanh ở huyện Cần Giờ, TPHCM

Mới đây, tại hội nghị lần thứ 2 Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98 (Ban Chỉ đạo 850) do Thủ tướng làm Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công thương đang xây dựng chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, mua bán điện trực tiếp. Bộ đã có văn bản gửi các bộ, ngành góp ý về cơ chế, chính sách. Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công thương hoàn thiện nghị định về mua bán điện trực tiếp trong quý 2-2024.

Thủ tướng nhấn mạnh những nội dung còn vướng, chưa ban hành được cho cả nước thì xử lý riêng cho TPHCM theo tinh thần Nghị quyết 98 để các cơ quan, doanh nghiệp có điều kiện lắp thiết bị năng lượng tái tạo. Đồng thời, khuyến khích các bộ, ngành, nhà đầu tư tham gia vào năng lượng tái tạo, bởi đây là nhu cầu chung của cả nước.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, thành phố đã hoàn thiện khung chiến lược và đang hoàn thiện khung chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh TPHCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu là góp phần thực hiện “net zero” và phát thải carbon thấp. Các lĩnh vực TPHCM ưu tiên thực hiện để chuyển đổi xanh là chuyển đổi năng lượng xanh, xây dựng xanh, quản lý nguồn nước. Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều cơ hội cho TPHCM trong chuyển đổi xanh, thành phố đang cùng Ngân hàng Thế giới nghiên cứu triển khai nhiều nội dung quan trọng, trong đó có điện mặt trời mái nhà, tín chỉ carbon.


Tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền cơ sở

Dự kiến sáng nay (14-3), HĐND TPHCM khóa X tổ chức kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét các tờ trình của UBND TPHCM về cụ thể hóa Nghị quyết 98, các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện công tác nhân sự. Trong đó, có dự thảo nghị quyết về tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức đối với số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách (gọi chung là cán bộ) tại phường, xã, thị trấn thuộc TPHCM.

Cùng với đó là nghị quyết về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở khu phố, ấp; người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp và mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, mức kinh phí hoạt động của khu phố, ấp trên địa bàn TPHCM.

Theo UBND TPHCM, số lượng cán bộ đang làm việc tại 312 phường, xã, thị trấn là 6.153 người, bình quân 1 cán bộ cấp xã phục vụ 1.554 người dân, gấp 3 lần so với mặt bằng chung của cả nước. Do đó, cần có nghị quyết của HĐND TPHCM để có cơ sở bố trí nguồn nhân lực đảm bảo số lượng, xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

UBND TPHCM dự kiến tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn theo quy định tại Nghị quyết 98 cần bố trí trong giai đoạn 2024-2026 là 12.624 người. Trong đó, 2.222 cán bộ; 4.770 công chức và 5.632 người hoạt động không chuyên trách.

Là địa phương đông dân nhất TP Thủ Đức với khoảng 104.000 người, cán bộ, công chức phường Hiệp Bình Chánh luôn trong tình trạng quá tải. Cuối năm 2023, phường được bổ sung 1 Phó Chủ tịch UBND theo Nghị quyết 98.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết, việc bổ sung biên chế công chức và số lượng người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn giúp các phường xã có thêm nhân sự giải quyết hồ sơ công việc kịp thời cho người dân, giải quyết tình trạng quá tải của một số bộ phận.

Tương tự, Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, quận 12 Võ Thị Ngọc Lan mong chính sách này được HĐND TPHCM thông qua và sớm triển khai để bổ sung nhân lực, hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương; giúp giải quyết áp lực cho cán bộ, công chức, nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng phục vụ người dân.

Tin cùng chuyên mục