Hướng tới phát triển xanh, bền vững

Bước vào vận hội mới, kỷ nguyên mới, TPHCM tiếp tục tiên phong trên hành trình phát triển xanh và bền vững.

Đón vận hội mới

Những tuần qua, sự kiện sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành TPHCM mới được nhiều chuyên gia, người dân quan tâm, kỳ vọng hình thành một siêu đô thị vượt trội về quy mô, tiềm lực và khả năng kết nối. Phác thảo tương lai, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, nhận xét: TPHCM mới sẽ có hàng hải, trung tâm công nghiệp, trung tâm tài chính thương mại, du lịch biển đảo rất lớn. Lợi thế của các đô thị riêng lẻ được hội tụ vào TPHCM mới. Việc sáp nhập 3 địa phương sẽ cộng hưởng các yếu tố thuận lợi để phát triển thành một siêu đô thị đặc biệt của cả nước.

Nhìn lại quá trình phát triển những năm gần đây, TPHCM luôn đặt nhiệm vụ tăng trưởng lên trên hết để xứng đáng là “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Tại hội thảo “TPHCM - thành tựu 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển” diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, lãnh đạo UBND TPHCM khẳng định, thành phố đã và đang chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến cải thiện chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. Sau Nghị quyết số 98/2023/QH15 là Nghị quyết số 188 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị. Tiếp theo là phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, trong đó Trung ương cho phép TPHCM ban hành các cơ chế thử nghiệm (sandbox) liên quan đến blockchain, fintech, ngân hàng số… Như vậy, một số điểm nghẽn về thể chế đang dần được tháo gỡ, tạo điều kiện cho TPHCM phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Hội tụ nội lực

Những ngày cuối tháng 4, nhiều người cao tuổi tại TPHCM vui mừng khi có thể tra cứu thông tin sức khỏe qua ứng dụng Công dân số. Gần 400.000 hồ sơ sức khỏe điện tử đã được Sở Y tế TPHCM và Trung tâm Chuyển đổi số cập nhật đồng bộ. Hồ sơ ghi nhận toàn bộ quá trình chăm sóc sức khỏe từ tiêm chủng, điều trị nội - ngoại trú, giúp người dân dễ dàng theo dõi tình trạng bản thân và người thân chỉ bằng một thiết bị di động. Đó là nỗ lực rất lớn của những người làm công tác chuyển đổi số của TPHCM để phục vụ người dân tốt hơn, và cũng là một nhiệm vụ nằm trong mục tiêu “chuyển đổi kép” mà TPHCM đang tích cực theo đuổi: chuyển đổi xanh đồng thời với chuyển đổi số. Trong công nghiệp, thành phố tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao với ba trung tâm trọng điểm về cách mạng 4.0, chuyển đổi số và R&D (nghiên cứu và phát triển). Về dịch vụ, TPHCM đã định hình hệ sinh thái tài chính với mạng lưới ngân hàng, chứng khoán, đầu tư dày đặc. Đến nay, dù chưa thành lập nhưng TPHCM hiện đứng thứ 98/119 thành phố trong chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), sát với Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia), xếp trên Manila (Philippines).

Khi Thủ tướng Chính phủ cam kết Việt Nam đạt Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) vào năm 2021, TPHCM đã chủ động nhận vai trò tiên phong. Thành phố xây dựng khung phát triển xanh với bốn trụ cột: nguồn lực xanh, hạ tầng xanh, hành vi xanh và ngành tiên phong. Hiện TPHCM triển khai khoảng 80 chương trình sản xuất xanh, xây dựng bộ tiêu chí đo lường phát thải, phát triển các mô hình huyện Cần Giờ xanh, trường học xanh, bệnh viện xanh.

Với nền tảng vững chắc cùng những bước đi chiến lược, TPHCM đang vững vàng bước vào vận hội mới, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình phát triển xanh, bền vững và hội nhập toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục