Hướng tới nhiều mục tiêu khi điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá

Sáng 7-11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam".

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM trình bày kết quả nghiên cứu
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM trình bày kết quả nghiên cứu

Sự kiện do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Vital Strategies tổ chức, nhằm cung cấp dữ liệu và nêu khuyến nghị hoàn thiện dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sẽ được trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 8 đang diễn ra).

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, không ít nghiên cứu đã đi vào giải thích nguyên nhân vì sao tình trạng sử dụng thuốc lá chưa giảm, mặc dù đã có nhiều biện pháp, trong đó có điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt. Chẳng hạn, mặt bằng thu nhập của người dân được cải thiện, khiến chi phí sử dụng thuốc lá chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong thu nhập.

Theo Viện trưởng CIEM, CIEM đã dày công hợp tác với các đối tác để phát triển mô hình mô phỏng vi mô nhằm đánh giá tác động của thuế và các khoản chi chuyển giao từ ngân sách Nhà nước, sử dụng số liệu chính thức về điều tra mức sống dân cư.

HỒNG MINH .jpg
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

"Chúng tôi không chỉ quan tâm đến tác động trực tiếp của việc đánh thuế (đối với mặt hàng thuốc lá - PV) đối với thu ngân sách nhà nước. Thay vào đó, chúng tôi tập trung hơn vào việc sử dụng nguồn thu ngân sách nhà nước để phục vụ trở lại lợi ích tổng thể của nền kinh tế và các tầng lớp nhân dân".

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, Việt Nam cần nghiên cứu để quy định vào luật việc áp dụng cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp (cả tuyệt đối và tương đối) đối với thuốc lá, đồng thời luật hóa cơ chế cho phép cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh sau một số năm.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam xếp hạng thứ 15 về mức độ tiêu thụ thuốc lá với khoảng 15,3 triệu người hút thuốc trực tiếp. Đồng thời, hàng triệu người khác cũng phải chịu ảnh hưởng từ khói thuốc thụ động, trong đó trẻ em và phụ nữ là những nhóm dễ bị tổn thương nhất. Tác động của việc sử dụng thuốc lá không chỉ dừng lại ở sức khỏe cộng đồng mà còn gây ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế quốc gia. Mỗi năm, có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá và nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, con số này dự kiến sẽ tăng lên 70.000 vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục