Ông VŨ TIẾN LỘC: Là một người trực tiếp tham gia vào hành trình này, từ tham gia trực tiếp vào việc hiến kế thúc đẩy cho việc đàm phán, cũng như vận động đối với các Nghị viện châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, thực sự, tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi được tin là hiệp định sẽ được ký kết vào cuối tháng này. Cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA là một FTA thế hệ mới, hướng tới các chuẩn mực hội nhập cao nhất. Các hiệp định này đều hướng tới sự phát triển bền vững, nhân văn của nền kinh tế hiện đại. Không chỉ chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra lợi nhuận, EVFTA còn đưa ra yêu cầu thực hiện các công ước về lao động, về bảo vệ môi trường… một cách nghiêm khắc.
Việc ký kết và bước vào giai đoạn thực thi EVFTA giúp các doanh nghiệp ý thức rất rõ rằng, Chính phủ đang phát động một giai đoạn mới của công cuộc đổi mới: giai đoạn gia tăng giá trị của đầu tư (cả trong nước và nước ngoài), của xuất nhập khẩu; hướng tới một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, nhân văn hơn. Nói cách khác, sau khi Việt Nam có được bước phát triển mạnh mẽ trong hành trình “cởi trói” cho doanh nghiệp, tạo nên phát triển về chiều rộng, bây giờ là giai đoạn phát triển kiến tạo, đảm bảo chất lượng phát triển cao hơn, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Những cơ hội nào sẽ mở ra cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sau EVFTA, thưa ông?
Chúng ta đều hiểu châu Âu là một nền kinh tế lớn hàng đầu trên thế giới, nơi khởi nguồn của những công nghệ hàng đầu, trung tâm khai sinh ra các chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời cũng là một trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo toàn cầu. Phải nói rằng khi thiết lập được nền tảng thương mại tự do đối với thị trường này, có thể ví như chúng ta đã xây dựng được một tuyến đường cao tốc hướng tây để kết nối nền kinh tế Việt Nam với một trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ hàng đầu của thế giới.
Điều này một mặt mở ra cơ hội cho thị trường xuất khẩu cho Việt Nam (hiện chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu). Khi EVFTA được ký kết và thực thi, việc tăng lên gấp đôi, gấp ba kim ngạch xuất khẩu đó trong tương lai là hoàn toàn có thể đạt được. Không phải chỉ đẩy mạnh xuất khẩu, mà còn thu hút đầu tư. Nhưng cái quan trọng nhất đối với thị trường này không phải chỉ ở kim ngạch xuất nhập khẩu hay đầu tư mà chính là ở chất lượng ở dòng chảy thương mại đầu tư này. Cần lưu ý thêm rằng, những thị trường như châu Âu mang tính bổ sung cho chúng ta, chứ không cạnh tranh trực tiếp, do đó EU là một thị trường lý tưởng cho việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu. Điều rất quan trọng nữa là chúng ta có thể nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thực hiện các yêu cầu mới chắc chắn sẽ gây thêm tổn phí cho giới kinh doanh, thưa ông? Đó là chưa kể phải sửa đổi khung khổ pháp luật cũng như phải đối diện với những rủi ro pháp lý, bởi vì ngay cả các cơ quan Chính phủ cũng rất dễ bị kiện và bị “trừng phạt”?
Chắc chắn rồi. Các yêu cầu về giá trị nhân văn cao hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn đòi hỏi chi phí nhất định và không nhỏ. Song, đây chính là lý do mà các FTA thế hệ mới ra đời, thay thế cho các hiệp định thế hệ cũ và đòi hỏi các thành viên phải tuân thủ cam kết, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng trên một hệ giá trị mà các quốc gia cùng theo đuổi.
Đúng là cũng có cả áp lực cho Chính phủ trong quá trình xây dựng và tuân thủ thể chế. Nếu ví như Chính phủ đứng trước yêu cầu tạo ra và vận hành hệ sinh thái để thúc đẩy sự chuyển dịch theo hướng phát triển kinh tế bền vững thì doanh nghiệp cũng phải thay đổi quản trị để thích nghi với hệ sinh thái đó.
Khu vực tư nhân ở Việt Nam hiện đang đóng góp 40% GDP, nhưng chưa đầy 10% được đóng góp bởi khu vực tư nhân trong nước, còn lại 30% được đóng góp bởi các hộ kinh doanh – tức là khu vực không chính thức, chưa đảm bảo sự minh bạch, chưa tiếp cận được những tiêu chuẩn quản trị hiện đại của thế giới. Chính vì vậy mà năng suất của khu vực này rất thấp, hiệu quả của khu vực này không cao. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu nói chung và thực thi EVFTA nói riêng, việc “nâng chất” doanh nghiệp đang là yêu cầu rất cấp bách.
Trong số những kiến nghị ông nêu có việc “thông tin hiệu quả hơn tới cộng đồng về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, ký kết”. Ông có thể làm rõ hơn ý này?
Điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 mà VCCI tiến hành cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có mức độ hiểu biết về các hiệp định FTA nói chung và EVFTA nói riêng còn rất hạn chế. Có đến 63% doanh nghiệp dân doanh không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Với CPTPP và EVFTA, con số này (lần lượt) lên tới 71% và 77%. Rất khó để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế, khi mà họ chưa nắm được thông tin gì về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực đàm phán, ký kết trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên sân nhà lại ngày một gia tăng khốc liệt hơn.
Xin cảm ơn ông!