Người dân nuôi tôm hùm ở cù lao Mái Nhà cho biết, không chỉ mới đây, mà từ cuối năm 2018, tôm hùm ở đây bắt đầu chết rải rác. Tôm có biểu hiện đen mang rồi chết dần, không thể cứu được dù đã được điều trị bằng nhiều cách. Đa số các lồng nuôi khu vực biển cù lao này đều có số lượng tôm chết từ 50% lên đến 80%. Nhiều người tìm đủ mọi cách để cứu tôm như san thưa lồng nuôi, chuyển lồng đi vị trí vùng nước khác, điều trị bằng nhiều liệu pháp, thuốc men, khử trùng… nhưng vẫn không có kết quả.
Nhiều hộ nuôi tôm ngậm ngùi bán tôm non mới được 0,5kg vì sợ tôm chết là trắng tay. Chủ tôm Võ Ngọc Phụng buồn bã nói: “Tôi xuống lồng nuôi tôm vụ này thả khoảng 400 con tôm hùm giống. Tính hết chi phí lồng bè, thức ăn, giống má này nọ hết vài trăm triệu. Tuy nhiên, đến bây giờ 400 con giống đã hụt mất 150 con. Có nhiều con nuôi đến 0,5kg - 0,6kg mà vẫn cứ mắc bệnh rồi chết, giờ chẳng biết kêu ai. Hiện bệnh vẫn đang còn, tôm vẫn chết rải rác, nếu vẫn chết tiếp thì vụ tôm này nhiều hộ ở đây lâm nợ là chắc chắn”.
Ông Huỳnh Hữu Minh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, cho biết: Tại khu vực biển quanh cù lao Mái Nhà có 36 hộ dân nuôi tôm hùm với 162 lồng nuôi (30.965 con tôm hùm). Tôm hùm bắt đầu mắc bệnh chết nhiều vào tháng 1-2019. Theo thống kê, thời điểm ấy có 5.090 con chết, chủ yếu tôm hùm bông (loại đắt tiền), kích cỡ 0,3kg - 0,5kg/con. Trước tình hình này, địa phương đã báo cáo lên Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Sở NN-PTNT. Các đơn vị này đã về lấy mẫu tôm bệnh và gửi mẫu đến Chi cục Thú y vùng IV để làm xét nghiệm. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc và đưa ra phác đồ điều trị thì tình hình bệnh đã được kiểm soát về cơ bản, chỉ rải rác ở một số lồng còn tôm chết.
Kết quả phân tích mẫu tôm bị bệnh của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho thấy, tôm hùm ở khu vực cù lao Mái Nhà chết là do bệnh đen mang. Đây là loại bệnh do vi khuẩn và một nhóm nấm gây ra. Nguyên nhân là do mật độ các lồng nuôi tôm hùm quá dày, người nuôi chưa đảm bảo được các yêu cầu vệ sinh cho vùng nuôi và tôm chưa được cho ăn thức ăn bảo đảm để tăng sức đề kháng...
Giải pháp đưa ra, trước mắt cần phải phân loại ra từng chủng bệnh, tôm mắc bệnh nặng hay nhẹ để đưa ra phác đồ điều trị một cách hiệu quả nhất. Tôm bệnh cần phải được phát hiện sớm, cách ly để điều trị, nhất là hạn chế việc các chủ tôm tái đàn trong vùng đang có bệnh dịch. Về lâu dài, các đơn vị cần tăng cường hướng dẫn người nuôi tôm cần phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra lồng nuôi của mình khi đứng gió; kiểm tra các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan trong nước để điều chỉnh cho hợp lý. Bên cạnh đó, người nuôi tôm phải tăng cường công tác vệ sinh lồng nuôi và khu vực nuôi liên tục.