Hướng tới khai thác thủy sản bền vững kết hợp bảo đảm chủ quyền biển

Bàn về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) được Chính phủ trình tại phiên họp sáng 21-3, Ủy  ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu khai thác thủy sản bền vững kết hợp bảo đảm chủ quyền biển của quốc gia.

(SGGPO).- Bàn về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) được Chính phủ trình tại phiên họp sáng 21-3, Ủy  ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu khai thác thủy sản bền vững kết hợp bảo đảm chủ quyền biển của quốc gia. 

Một trong những nội dung mới đáng lưu ý trong dự thảo Luật này là đề xuất thực hiện cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản. Tờ trình dự án Luật của Chính phủ nêu rõ, đây là nội dung mới thay đổi về phương thức cấp phép so với Luật Thủy sản 2003 cho phù hợp với phương thức quản lý của các quốc gia trên thế giới và kiểm soát được nguồn lợi chặt chẽ hơn. Điểm mới này được cơ quan thẩm tra - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – tán thành nhằm bảo vệ, tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản hợp lý và bền vững.

Nhiều đại biểu cho rằng cần có những quy định cụ thể về đánh bắt thủy sản, thậm chí cần cấp hạn ngạch đánh bắt chứ không để đánh bắt vô tội vạ, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản

Đăng ký phát biểu ngay đầu phiên thảo luận, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội  Nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Minh cho biết ông đã có kinh nghiệm 30 năm đi biển, có lúc ở biển vài tháng liền và nhận thấy nguồn lợi hải sản từ biển Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng. “Có nhiều nguyên nhân, nhưng dễ nhận thấy hơn cả là tình trạng đánh bắt tận diệt, chích điện, đánh thuốc nổ làm chết vài chục tấn cá nhưng có khi chỉ thu được vài tấn”, ông Phạm Ngọc Minh xót xa.

Theo ông Phạm Ngọc Minh, cần có những quy định cụ thể về đánh bắt thủy sản, thời điểm nào thì cấm - nhất là mùa cá sinh sản, thậm chí cần cấp hạn ngạch đánh bắt chứ không thể đánh bắt vô tội vạ. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt đồng tình: “Có những cách đánh bắt hủy diệt. Lẽ ra ở tuyến bờ, tuyến lộng, tuyến khơi, mỗi tuyến phải có loại lưới phù hợp, mình lại không rạch ròi chuyện đó. Đánh lưới kéo nhiều khi còn kéo lên cả cát chứ đừng nói cá bé”. Cũng theo ông Võ Trọng Việt: “Trong các điều cấm của dự thảo luật thì cái đáng cấm nhất lại không có”. 

Cũng trên quan điểm phát triển bền vững, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị quan tâm đến việc hình thành, phát triển công nghiệp đánh bắt cá xa bờ. Ông Phan Thanh Bình cũng nêu rõ tầm quan trọng của hiệp hội nghề cá và các hiệp hội có liên quan; xây dựng quan hệ phối hợp, hỗ trợ ngư dân trên biển để vừa nâng cao hiệu quả khai thác, vừa góp phần đảm bảo hải phận, an ninh biển quốc gia…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị quan tâm đến việc hình thành, phát triển công nghiệp đánh bắt cá xa bờ

“Vươn khơi hàng trăm hải lý mà đơn thương độc mã thì rất khó khăn, nguy hiểm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ. Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhắc nhở cơ quan soạn thảo, thẩm tra lồng ghép các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào toàn chuỗi hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và tiêu thụ thủy sản.

Đặc biệt, vấn đề tổ chức lực lượng kiểm ngư theo vùng hay theo địa phương cũng đã được các ủy viên UBTVQH tranh luận khá sôi nổi. Trong khi ông Phan Thanh Bình thiên về phương án tổ chức lực lượng kiểm ngư theo vùng thì Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị “địa phương nào cần thì tổ chức, không nhất thiết tổ chức ở tất cả 28 tỉnh thành có biển”. Đa số ý kiến ủng hộ phương án tổ chức lực lượng kiểm ngư ở từng địa phương.  

Được mời giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Rất cần thiết phải có lực lượng kiểm ngư địa phương, góp phần bảo đảm biển thực sự là biển bạc của quốc gia”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục