“Chúng ta hãy tiến tới thỏa thuận hòa bình vào cuối năm mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”, báo Japan Times dẫn lời Tổng thống Putin nói tại Diễn đàn kinh tế phương Đông tổ chức tại thành phố Viễn Đông Vladivostok với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và một số lãnh đạo các nước khác.
Thủ tướng Abe thúc giục Tổng thống Putin cùng tiến về phía trước với hiệp ước hòa bình và ông đặt câu hỏi: “Nếu chúng ta không làm điều đó ngay bây giờ, khi nào chúng ta mới có thể làm?” và “Nếu chúng ta không làm điều đó, ai sẽ làm?”.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Abe cho biết ông quyết tâm cùng Tổng thống Nga Putin giải quyết tranh chấp về chủ quyền nhóm đảo để hai nước có thể ký hiệp ước hòa bình. Hai bên đã thỏa thuận cùng khai thác trên các hòn đảo tranh chấp mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril trong khi Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc. Các đảo Etorofu, Kunashiri, Shikotan và nhóm đảo nhỏ Habomai đã bị Liên Xô kiểm soát sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ II vào tháng 8-1945.
Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý đẩy mạnh các hoạt động kinh tế chung trên các đảo tranh chấp. Ông Abe cho biết ông và Tổng thống Putin đã phê duyệt lộ trình để thực hiện các hoạt động trên các đảo nói trên trong 5 lĩnh vực gồm nuôi trồng thủy sản, trồng cây trong nhà kính, du lịch, năng lượng gió và giảm chất thải. Ông Abe cho biết, hai nước sẽ cử các phái bộ kinh doanh qua lại vào đầu tháng 10 để xúc tiến các thỏa thuận hợp tác.
Nhật Bản hiện đang tìm cách phá vỡ bế tắc về tranh chấp lãnh thổ với Nga bằng cách xây dựng niềm tin với Mátxcơva thông qua hợp tác kinh tế đang diễn ra trong khu vực và lên kế hoạch hoạt động kinh tế chung trên các hòn đảo tranh chấp.
“Khu vực Viễn Đông, bao gồm cả Vladivostok, sẽ là một cửa ngõ tập trung nguồn nhân lực, hàng hóa và quỹ đầu tư như là kết quả của sự hợp tác giữa Nhật Bản và Nga”, Japan Times dẫn lời ông Abe nói.
Về phía Nga, trong bối cảnh bị Mỹ và nhiều nước phương Tây áp đặt cấm vận kinh tế thì việc Nga tăng cường hợp tác kinh tế với Nhật Bản được xem là hướng đi tích cực, góp phần phá thế cấm vận. Là đồng minh thân cận với Mỹ, Nhật Bản giao thương với Nga có thể mang lại rắc rối với Washington nhưng nói như Giám đốc điều hành tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản, ông Hideki Yamano, thì các công ty Nhật Bản làm ăn với Nga hiện bị ảnh hưởng rất ít từ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Nga.
Báo chí Nhật Bản cho rằng, Thủ tướng Abe mong muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán lãnh thổ với Nga khi ông được dự báo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào ngày 20-9 và đảm bảo thêm nhiệm kỳ 3 năm.
Trong khi Tổng thống Putin cũng đã củng cố quyền lực với nhiệm kỳ mới 6 năm trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3. Các chuyên gia phân tích quan hệ Nga - Nhật Bản cho rằng quan hệ địa - chính trị giữa Nga và Nhật Bản chưa bao giờ thuận lợi hơn lúc này và lãnh đạo hai nước chắc chắn không muốn đánh mất cơ hội để củng cố quan hệ hai nước hơn nữa theo hướng có lợi cho cả hai và cho hòa bình, an ninh khu vực.