Nhiều bước chuyển nhưng chậm
Tính đến thời điểm hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã trang bị hệ thống phần mềm HIS, hạ tầng mạng, phần cứng phục vụ ứng dụng quản lý bệnh viện, chuyên môn nghiệp vụ. Có những bệnh viện đã hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên thông HIS-LIS-PACs và bệnh án điện tử (EMR), có nơi đã phát triển những ứng dụng chuyên biệt mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của ngành y tế thành phố vẫn chưa tương xứng với tầm vóc của một địa phương năng động, sáng tạo.
Nhiều cơ sở y tế có không ít quyết tâm trong việc triển khai các ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh. Điều này đã được minh chứng qua gần 100 sản phẩm y tế thông minh của ngành y tế TPHCM trong đợt phát động bình chọn Giải thưởng Y tế thông minh lần thứ nhất - năm 2019 dựa trên những nền tảng công nghệ như: điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT), blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn… Các sản phẩm hướng đến phục vụ người dân, nhân viên y tế trong hoạt động chuyên môn và cho cán bộ y tế làm công tác quản lý.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ sở y tế thật sự muốn đẩy nhanh, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, xây dựng y tế thông minh nhưng lại gặp không ít những khó khăn và thách thức như: nguồn nhân lực CNTT tại các cơ sơ y tế, môi trường ứng dụng và phát triển công nghệ số; cơ sở hạ tầng CNTT trong các cơ sở y tế chưa được đầu tư đồng bộ và đúng mức theo kỳ vọng phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh (hạ tầng phần mềm ứng dụng, mạng, máy chủ, hệ thống lưu trữ tập trung, hệ thống an toàn thông tin); các quy định, quy trình nội bộ còn nhiều phức tạp cần phải thay đổi cho phù hợp với môi trường làm việc trên nền tảng số…
Người dân được quản lý sức khỏe tốt hơn
Việc xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế là mục tiêu quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số của TPHCM góp phần cải cách thủ tục hành chính và giảm phiền hà cho người dân. Bên cạnh những hoạt động hướng đến đẩy mạnh ứng dụng AI, IoT,… vào lĩnh vực y tế, các bệnh viện và các cơ sở y tế cần đẩy mạnh hơn nữa việc đưa các ứng dụng CNTT để tạo thêm tiện ích và tăng sự hài lòng của người dân; hướng đến phục vụ 3 đối tượng chính (người dân, nhân viên y tế và cán bộ y tế).
Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật cho người bệnh bằng robot |
Cụ thể, giúp người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh; dễ dàng tương tác với ngành y tế hướng đến người dân tự quản lý được sức khỏe của mình và hướng đến mỗi người dân đều được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Giúp bác sĩ tiếp cận được các kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới; giảm thiểu các nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến người bệnh; giảm bớt được các thủ tục hành chính, giấy tờ trong bệnh viện; bác sĩ tuyến dưới có thể kết nối dễ dàng với bác sĩ tuyến trên để hội chẩn, tư vấn; hướng đến mỗi bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh đều lập hồ sơ bệnh án điện tử. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo, dự báo đối với các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế và triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.
Chuyển đổi số để người dân được chăm sóc và quản lý sức khỏe ngày một tốt hơn đã trở thành một yêu cầu chính đáng trong thời đại công nghiệp 4.0. Mỗi nhân viên y tế phải có trách nhiệm sử dụng hiệu quả các ứng dụng chuyển đổi số, các ứng dụng y tế thông minh của đơn vị mình; mỗi cơ sở y tế phải tăng cường học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về phương thức tiếp cận và triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và xây dựng y tế thông minh... Tất cả hướng đến mục tiêu: xây dựng một hệ thống y tế hiện đại, một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á.
5 nhóm hoạt động chính khi xây dựng y tế thông minh
1. Chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế, đồng thời đóng góp cho dữ liệu lớn của thành phố;
2. Triển khai các ứng dụng CNTT nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe;
3. Triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác chuyên môn và công tác quản lý cơ sở góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện và các cơ sở y tế;
4. Triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác cải cách thủ tục hành chính và quản lý nhà nước của ngành y tế;
5. Triển khai các ứng dụng CNTT nhằm duy trì độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong giai đoạn hậu Covid-19 và trong bối cảnh bình thường mới.
Xu hướng về công nghệ y tế tại Việt Nam
Công nghệ áp dụng trong y tế tại Việt Nam được chia ra làm 2 mảng chính: công nghệ ứng dụng trong y tế và công nghệ thông tin quản lý dữ liệu y tế. Một số xu hướng công nghệ y tế tại Việt Nam:
- Hồ sơ y tế cá nhân (lưu trữ toàn bộ thông tin liên quan đến sức khỏe của bản thân kể từ khi sinh ra, bao gồm cả thông tin chủng ngừa, nhóm máu, tiền sử bệnh tật, kết quả khám chữa bệnh... trong suốt cuộc đời);
- Khám từ xa (một mũi nhọn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong tương lai);
-Số hóa hệ thống thông tin y tế (quản lý dễ dàng, giảm tải công việc văn phòng, giúp y bác sĩ tập trung vào chuyên môn, bệnh viện không giấy tờ);
- Áp dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa (xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, hỗ trợ chẩn đoán, đưa ra quyết định lâm sàng, quản lý khám chữa bệnh, huấn luyện mô phỏng và nghiên cứu chế tạo, nghiên cứu về robot trong y tế);
- Theo dõi từ xa (thu thập thông tin, phân tích dữ liệu để truyền đến cho y bác sĩ, giúp tiết kiệm thời gian cho các nhân viên y tế, cảnh báo sớm các nguy cơ, giảm can thiệp và khám cấp cứu cho bệnh nhân).