Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm và hơn 600 chuyên gia, đại biểu quốc tế đã tham dự, nhằm trao đổi hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực GTVT giữa các nước thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu giao thông Đông Á (EASTS) như Australia, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam...
Nút giao thông Suối Tiên, một cửa ngõ giao thông quan trọng của TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG
Hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tình trạng ùn tắc, kiềm chế tai nạn giao thông và đã có những chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương đã giảm. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã huy động nguồn lực đầu tư nên bộ mặt hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có những đổi mới nhất định và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền và cả nước, trong đó phải kể đến các công trình lớn, hiện đại như các tuyến đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển...
Hiện tại đã đưa vào khai thác 831km đường bộ cao tốc, các cảng hàng không có năng lực thông qua đạt 75 triệu khách/năm, tổng công suất cảng biển đạt khoảng 500 triệu tấn/năm...
Tuy nhiên, lĩnh vực GTVT ở Việt Nam cũng như một số nước đang phát triển trong khu vực còn gặp nhiều thách thức trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và công tác đảm bảo ATGT. Đặc biệt, công tác thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông chưa đồng bộ, gây phát sinh nhu cầu đi lại lớn hơn năng lực hạ tầng giao thông, tạo ra những điểm ùn tắc giao thông mới và tiềm ẩn mất ATGT trong tương lai; công tác quản lý kết cấu hạ tầng, đường ngang vẫn còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa các bên còn chưa chặt chẽ, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT vẫn còn nhiều phức tạp; công tác kiểm soát tải trọng phương tiện chưa đạt kết quả như mong muốn; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế; chưa kiểm soát được sự gia tăng của phương tiện cá nhân; ở các đô thị lớn, mạng lưới vận tải hành khách công cộng đã phát triển, song năng lực vận chuyển còn hạn chế…
Trong 4 ngày diễn ra hội nghị lần thứ 12 này, các đại biểu sẽ có các phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề: Kinh nghiệm quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, hạ tầng và tổ chức giao thông; phương tiện giao thông; người tham gia giao thông; ứng dụng giao thông thông minh; phát triển GTVT bền vững; ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao ATGT đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; phát triển GTVT bền vững; ứng phó sau tai nạn giao thông; phân tích mạng lưới và phân bổ giao thông, thiết kế đường, chính sách quản lý nhu cầu vận tải, quản lý và kiểm soát tín hiệu giao thông, chính sách vận tải đa phương thức, các vấn đề trong phát triển giao thông đô thị bền vững và đường sắt đô thị, quản lý và khai thác đường không và đường thủy, phát triển giao thông thông minh trong kỷ nguyên Internet…
Giải quyết bất cập từ kinh nghiệm thế giới
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho rằng, TPHCM sẽ không thể trở thành “đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” nếu như không có hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT hoàn thiện, thông suốt và an toàn.
Trong phát triển kinh tế, TPHCM đã phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường từ các hoạt động GTVT. Thời gian qua, các sở, ngành liên quan của TPHCM phối hợp chặt chẽ với Ủy ban ATGT quốc gia xây dựng các chương trình chuyên đề, tập trung vào 4 vấn đề như quản lý nhu cầu giao thông cá nhân; phát triển hệ thống giao thông thông minh ITS; giải pháp nâng cao ATGT đường bộ và đổi mới phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Đây là các chủ đề được chọn lựa chi tiết, phù hợp với nhu cầu thực tế của TPHCM, rất cần sự tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước tại hội nghị này, để từ đó ngành GTVT của TPHCM quyết tâm xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, xanh và tích hợp.
Theo Sở GTVT TPHCM, nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, thời gian tới TP sẽ đưa ra hàng loạt các giải pháp như quy định chủ sở hữu ô tô phải mở tài khoản và lắp đặt thiết bị phụ trợ, giới hạn đăng ký mới phương tiện cá nhân; quy định ô tô chạy ngày chẵn lẻ; lập đề án thu phí phương tiện cá nhân theo tiêu chuẩn khí thải; thu phí phương tiện cá nhân một số khu vực trung tâm; điều chỉnh giãn giờ học ở các trường; cấm ô tô hoạt động trên một số tuyến đường; thiết lập các phố đi bộ; phân vùng hạn chế hoạt động xe máy.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống quy hoạch cơ chế chính sách và bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị, nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; phát triển loại hình vận tải công cộng có sức chở lớn; tang cường ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, khai thác điều hành GTVT…
Trong năm 2016, cả nước xảy ra 21.568 vụ, 8.680 người chết, 19.280 người bị thương. So với năm 2015, giảm 1.259 vụ (-5,52%), giảm 47 người chết, giảm 1.789 người bị thương. Đa phần tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ với 97,8% (66,7% số vụ là do mô tô, xe máy; 27,07% số vụ là do ô tô), đường sắt chiếm 1,7%, đường thủy nội địa chiếm 0,5% tổng số vụ tai nạn giao thông. Qua phân tích cho thấy, đa phần các vụ tai nạn giao thông xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông (chiếm 71,6%).
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông mong muốn và đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia GTVT của Việt Nam tích cực tăng cường nghiên cứu, hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp trong khu vực Đông Á và trên thế giới, để có được những đề xuất phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển GTVT đã đề ra, cũng như giải quyết được những tồn tại, bức xúc đang đặt ra trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để đảm bảo ATGT, giảm ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông hiện nay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế tăng cường trao đổi, hợp tác và chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các vấn đề như giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATGT; công tác thi hành pháp luật trật tự ATGT và nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi; cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; công tác quản lý và nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện giao thông vận tải; giải pháp đối với người điều khiển phương tiện; giải pháp giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông. Từ đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của bộ và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, nghiên cứu để đề xuất các giải pháp thực hiện đảm bảo khả thi và có hiệu quả đối với ngành GTVT của Việt Nam.