Ít xâm phạm môi trường tự nhiên
Trong mô hình đô thị sinh thái, chính con người và sản phẩm của chúng ta tạo ra là một phần của tự nhiên. Khi đó chúng ta phải tuân thủ một số nguyên tắc của một tổ chức (thành phố, cộng đồng, khu nhà, công trình) theo hướng phát triển sinh thái.
Để xây dựng một khu nghỉ dưỡng, một chung cư hay một khách sạn người ta phải thay đổi hình thái học tự nhiên có sẵn như đào đắp, san ủi, lấn chiếm, di dời. Những hoạt động này là cần thiết nhưng nguyên tắc của sinh thái là tiết giảm việc đập phá mà nên “nương theo tự nhiên” để đảm bảo sự cân bằng vốn có của trời đất.
Trong nhiều trường hợp, sự can thiệp quá thô bạo làm cho thiên nhiên hoàn toàn bị biến dạng, để lại hậu quả không cứu vãn được. Ở Phan Thiết, để có được một bãi biển đẹp, người ta làm kè chắn sóng, nhưng hệ quả là làm cho dòng chảy thủy triều đổi chiều. Chỉ sau vài năm, những làng chài ngay gần sát đó bị biển ngoạm mất hoàn toàn. Hay để khách có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp và phóng tầm nhìn ra xa, từ trên núi người ta phá bỏ toàn bộ một cánh rừng thông ở Đà Lạt. Dẫn đến hiện tượng lở đất hay xảy ra là điều dễ hiểu.
Một người dân ở huyện Bình Chánh, TPHCM, phản ánh nhà ông bị sụp lún do hậu quả khai thác nước ngầm trái phép
TPHCM đang tiến hành các dự án lấn biển làm khu nghỉ dưỡng. Do vậy, cần hết sức thận trọng trong việc phá bỏ các cánh rừng đước, bần, cũng như làm đê kè chắn sóng tạo biển nhân tạo. Nếu không cẩn thận sẽ làm cho hệ sinh thái tự nhiên bị tổn hại.
Một trong số các cơ chế quan trọng của tự nhiên cũng như cơ thể con người là khả năng tự bảo vệ, tự tái tạo, tự cân bằng. Trong quan điểm phát triển sinh thái là phải cố gắng giữ yếu tố này, không để cho tự nhiên mất khả năng thiên bẩm này. Một khi khả năng này mất đi thì sẽ tốn rất nhiều tiền mà không chắc đã giúp thiên nhiên hồi sinh lại được chức năng này.
Trong những năm gần đây, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đua nhau xây các nhà cao tầng theo dạng hình hộp. Để nuôi dưỡng những cao ốc vĩ đại như thế, cần phải tốn một năng lượng điện cực kỳ lớn và một lượng nước khổng lồ. Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu điện triền miên, chính vì những thiết kế phi sinh thái này. Trên thế giới, mô hình các tòa nhà xanh, cao ốc sinh thái xuất hiện nhiều nơi. Những tòa nhà này được thiêt kế theo quan niệm “mở” nhằm tận dụng triệt để thiên nhiên sử dụng loại vật liệu ít hấp thụ nhiệt; làm hồ nước giảm nóng trên sân thượng; tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời...
Giảm thiểu các yếu tố nhân tạo
Xu hướng nhân tạo hóa thiên nhiên là rất mạnh ở các nước châu Á. Nhiều người cho rằng, một công trình càng hoành tráng càng sử dụng nhiều vật liệu tân kỳ như inox, kính, ciment, thép, composit… thì càng chứng tỏ quyền uy và nghệ thuật kiến trúc. Điều đó chưa hẳn là đúng. Một trong các nguyên nhân dẫn đến ngập nước mưa và làm không khí nóng lên là do mức độ bê tông hóa bề mặt nơi sống quá cao. Có những thành phố, khu dân cư bị bê tông hóa đến 90%-100%. Người ta tính được một mét vuông đất trống quanh một cái cây không làm gờ chắn có thể ngấm được hơn 2,5m³nước mưa. Những khoảng bê tông lớn khiến cho nước mưa không những không thấm được, mà lại gây ra hiện tượng đảo nhiệt trong những ngày nóng. Đó là hiện tượng sức nóng dội ngược trở lại sau khi bê tông đã hấp thu no nhiệt. Đặc biệt là sức nóng khủng khiếp tỏa ra nhiều hơn khi mà bề mặt bê tông hun nóng được nước mưa dội lên.
Khi xây dựng khó có thể tránh khỏi hiện tượng san lấp, di dời để lấy mặt bằng thi công và tạo dựng công trình theo ý đồ thiết kế. Thế nhưng, theo nguyên tắc của sinh thái, ta lấy của thiên nhiên bao nhiêu phải trả lại bấy nhiêu. Nhiều chung cư của TPHCM ở các vùng trũng như quận 6, 7, Bình Chánh được xây dựng trên nền đất san lấp mà trước đó là các ao hồ và kênh rạch. Các nhà xây dựng đã không trả lại phần san lấp đi bằng các hồ sinh thái hoặc kênh thoát nước nên mới gây hậu quả là ngập nước khắp nơi.
Tương tự, do nước sạch không đủ dùng ở các thành phố, người ta phải khoan nước ngầm để có nước dùng. Việc hút nước lên với số lượng lớn làm các túi nước bị rỗng và một hệ quả cực xấu xảy ra là thành phố bị lún. Một số khu vực ở TPHCM cũng đang bị lún như quận Bình Thạnh, quận 7, Bình Tân… Các nhà khoa học của Trường Đại học Bách khoa đưa ra sáng kiến thu nước mưa từ trên các nóc nhà để đưa trở lại bổ sung tầng nước ngầm. Nhưng xem ra, đó chỉ như là một thí nghiệm mini hơn là một phương án khả thi.
Việc áp dụng mô hình đô thị sinh thái hoàn toàn không dễ. Nó đòi hỏi một sự thống nhất, kiên trì và thay đổi thói quen của từng cá nhân và cộng đồng. Nhưng phải có những bước đi đầu tiên cho một tiến trình dài. Phát triển đô thị bền vững nói cho cùng là phải hòa hợp với tự nhiên!