Không thay thế tiếp xúc trực tiếp
Hệ thống bảo tàng và các điểm di tích tại Việt Nam triển khai dự án số hóa trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhất là sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Công tác này giúp các bảo tàng, di tích tiếp cận với công chúng qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm trực tuyến, từ đó phát huy nhiều hơn giá trị lịch sử, giá trị giáo dục của di sản. Phổ biến trong số đó là áp dụng giải pháp Virtual 360 và mô hình 3D các hiện vật trưng bày, giúp người xem có thể trải nghiệm di sản một cách trực quan và sinh động, ngay cả khi họ không thể đến thăm trực tiếp. Việc phát triển mô hình “bảo tàng ảo” còn mang đến cơ hội gia tăng nguồn thu, dẫu vậy trên thực tế hiệu quả về doanh thu chưa như kỳ vọng.
Nhiều ý kiến đặt vấn đề ngược lại, khi không còn giãn cách xã hội và điều kiện địa lý gần gũi, người tham quan hẳn sẽ chọn đến trực tiếp bảo tàng, di tích để chiêm ngưỡng, tương tác; thú vị hơn so với việc ngồi trước màn hình máy tính hay điện thoại. Giới nghiên cứu di sản văn hóa cũng đưa ra quan điểm, sự thành công của số hóa di sản không phải là nhiều người xem trực tuyến, mà từ qua trực tuyến sẽ thu hút thêm lượng khách tham quan trực tiếp bảo tàng. Bằng không, sau số hóa, bảo tàng, di tích… chỉ còn người trông coi và giới quản lý.
Nghiên cứu, xây dựng thống nhất nền tảng kỹ thuật số chung về quản lý, bảo tồn các dữ liệu trong lĩnh vực di sản văn hóa; có khả năng mở rộng để các địa phương, tổ chức kết nối và tích hợp với các hệ thống thông tin khác của Chính phủ, địa phương và các tổ chức liên quan
Trích Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Bên cạnh đó, những giải pháp công nghệ như Virtual 360 và mô hình 3D các hiện vật không thể thay thế cho việc đánh giá hiện trạng của công trình, phát hiện các vấn đề cần bảo tồn và xác định các giải pháp trùng tu, bảo tồn phù hợp.
Mô hình thông tin công trình di sản
Trước thách thức của thời gian, tốc độ đô thị hóa, đã có di tích trở thành phế tích, đặt ra nhiều yêu cầu với công tác bảo tồn di sản hơn là việc chỉ đưa hình ảnh, video lên trang web.
Robot tương tác cùng khách tham quan được triển khai tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM |
Dự án phục hồi Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) là minh chứng thuyết phục nhất trong việc số hóa di sản phải hiểu và thực hành đúng cách. Vụ hỏa hoạn vào năm 2019 đã phá hủy phần lớn mái nhà, tháp chuông và các cấu trúc gỗ bên trong của nhà thờ. May mắn là tất cả các chi tiết này đã được Ubisoft - nhà phát triển trò chơi điện tử Assassin’s Creed quét 3D laser scan vào năm 2014.
Các nhà nghiên cứu và kỹ sư đã sử dụng dữ liệu 3D laser scan này để tạo ra một mô hình H-BIM (Heritage Building Information Modelling - Mô hình thông tin công trình di sản) chi tiết của nhà thờ, giúp xác định vị trí và kích thước của các cấu trúc bị phá hủy. Mô hình này cũng đã được sử dụng để tạo ra các kế hoạch cho việc phục dựng nhà thờ nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Trên toàn cầu, số hóa di sản đang trở thành một xu hướng quan trọng, trong đó áp dụng H-BIM đóng một vai trò không thể thiếu. Là đơn vị thực hiện dự án số hóa Nhà hát Thành phố năm 2020, đại diện Công ty CP Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển, chia sẻ: “Đánh giá hiện trạng của công trình là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình bảo tồn, giúp các chuyên gia xác định được các vấn đề về cấu trúc, vật liệu… của công trình, từ đó có thể đưa ra các giải pháp phù hợp. Phát hiện các vấn đề cần bảo tồn là cần thiết để ngăn chặn sự xuống cấp của công trình. Các vấn đề cần bảo tồn có thể bao gồm các vết nứt, rạn, sạt lở... Việc xác định các giải pháp trùng tu, bảo tồn phù hợp là cần thiết để đảm bảo sự bền vững của công trình. Các giải pháp trùng tu, bảo tồn cần được thực hiện một cách cẩn thận và khoa học, để không làm ảnh hưởng đến giá trị lịch sử và văn hóa của công trình. Nếu chỉ áp dụng Virtual 360 và làm mô hình 3D một số hiện vật, thực chất không phải là số hóa di tích, di sản mà phải thực hiện đúng quy trình của UNESCO hướng dẫn về H-BIM”.
Việt Nam hiện đã chủ động thiết lập một khung pháp lý vững chắc để hướng dẫn và ủng hộ áp dụng H-BIM cho các công trình di sản. Hơn nữa, sự kết hợp giữa BIM và hệ thống thông tin địa lý (GIS) mở ra một hướng tiếp cận mới trong việc số hóa di sản, giúp bảo tồn và nâng cao tính tiếp cận của chúng. Nhu cầu thực tế và khung pháp lý để hướng dẫn đã có, nhưng việc áp dụng vẫn phụ thuộc vào từng nơi, dựa trên nhiều yếu tố khách quan, chủ quan… Vì thế mà đến nay, quá trình số hóa di sản mới chỉ dừng lại ở việc đưa không gian vật lý lên nền tảng số, chứ chưa thực sự số hóa di sản đúng nghĩa để có thể đảm bảo việc bảo tồn, phục hồi khi cần thiết.
Các công trình di tích dù đẹp hay độc đáo đến đâu cũng không nằm ngoài thách thức của thời gian, việc số hóa để bảo tồn và phát huy di sản đang ở trong tình thế cấp bách, nhưng muốn hiệu quả lại cần phải thực hiện đúng phương pháp.
Quy trình H-BIM theo hướng dẫn của UNESCO bao gồm 4 giai đoạn chính: Giai đoạn 1, khảo sát và lập kế hoạch, bao gồm khảo sát mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, cấu trúc, vật liệu…, từ đó lập kế hoạch thực hiện H-BIM với các mục tiêu, phạm vi, thời gian, nguồn lực cụ thể; giai đoạn 2, thu thập dữ liệu gồm các dữ liệu đo đạc, ảnh chụp, quét laser 3D, bản vẽ, hồ sơ thiết kế, ảnh tư liệu, thông tin về vật liệu, cấu trúc…; giai đoạn 3, tập trung phân tích và xử lý dữ liệu để tạo ra mô hình H-BIM; giai đoạn 4, chia sẻ và quản lý dữ liệu hiệu quả để phục vụ cho các mục đích bảo tồn, trùng tu, quản lý...