Sau thỏa thuận Dublin yêu cầu các nước đầu tiên tiếp nhận những người xin tị nạn đến châu Âu phải chào đón họ, hồi đầu hè, Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã đạt được hiệp ước mới về “di cư và tị nạn”.
Theo đó, các thành viên EU cần đoàn kết hơn, giúp giảm nhẹ công việc của các quốc gia nhập cảnh đầu tiên. Tuy nhiên, đến năm 2026, những quy định này mới chính thức được áp dụng. Báo Le Monde (Pháp) nhận định, dù không sai, nhưng việc tuyên bố tái lập các biện pháp kiểm soát ở biên giới Đức mà không có sự tham vấn một lần nữa cho thấy sự mất đoàn kết ở châu Âu.
Động thái này đã gửi đi một thông điệp tiêu cực đến các nước láng giềng, vốn đang phải đối mặt với những vấn đề giống nhau về việc di chuyển người tị nạn. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố “không thể chấp nhận được”. Người đồng cấp Hy Lạp cũng “lấy làm tiếc” về bất cứ điều gì làm suy yếu khu vực Schengen.
Ngày càng có nhiều quốc gia muốn trục xuất những người xin tị nạn. Mới đây, bằng cách trả lại khoảng 30 người Afghanistan bị tòa án kết án về nước, Berlin đã phá vỡ điều cấm kỵ sau một thời gian dài từ chối làm như vậy. Áo và Cyprus cũng muốn trục xuất người Syria về quê, khiến nhiều nước EU khác muốn hành động theo. Sự thay đổi cũng có nguy cơ tạo ra những tác động tai hại ở Brussels trong việc đàm phán các quy định trong tương lai, bắt đầu từ lợi nhuận.
Trước đó, hôm 18-7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã khẳng định: “Những thách thức về di cư đòi hỏi châu Âu phản ứng theo hướng tiếp cận công bằng và vững chắc dựa trên các giá trị của chúng ta. Hãy luôn tâm niệm rằng người di cư cũng là những con người như bạn và tôi. Và tất cả chúng ta đều được bảo vệ bởi nhân quyền”.
Báo Le Monde cho rằng, trong bối cảnh mất cân bằng nhân khẩu học gia tăng, cùng với đó là sự trỗi dậy của phe cực hữu, các phản ứng riêng lẻ đang đe dọa sự gắn kết của EU, cũng như những giá trị mà bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh.