Ngày 3-11, tại Đường sách TPHCM, NXB Nghệ An phối hợp cùng Nhóm Vinh Xưa tổ chức chương trình giao lưu “Quê ta Tỉnh Nghệ - Thành Vinh”. Chương trình có sự tham gia của hai tác giả là người Nghệ, gồm: Trung tướng, PGS-TS Phan Đức Dư và tác giả Phạm Xuân Cần. Đặc biệt, bà Bùi Thị Ngọc, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Nghệ An đích thân làm MC, kết nối hai tác giả với bạn đọc.
Trước chương trình giao lưu, đông đảo bạn đọc có mặt tại Đường sách TPHCM đã được lắng nghe nhiều ca khúc dân ca ví giặm hoặc những bài hát về xứ Nghệ như Vinh thành phố bình minh, Thương về xứ Nghệ, Giọng Nghệ tìm về… do chính những người con của xứ Nghệ thể hiện.
Được giới thiệu trong chương trình là ấn phẩm Hoàng Mai địa đầu xứ Nghệ gần 700 trang của Trung tướng, PGS-TS Phan Đức Dư, cùng một số ấn phẩm của tác giả Phạm Xuân Cần.
Ấn phẩm Hoàng Mai địa đầu xứ Nghệ được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã Hoàng Mai, cũng là công trình 10 năm tâm huyết của ông. Cuốn sách được ông xem là món quà được viết ra từ gan ruột để trả nợ cho quê hương.
Theo chia sẻ của Trung tướng Phan Đức Dư, ông vốn là nhà giáo, cuộc đời của ông gắn với công việc dạy học, công việc này có phần đặc thù hơn khi dạy học trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Ông chỉ viết giáo trình để phục vụ cho việc dạy học, chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ viết sách bởi công việc này với ông có phần cao siêu mà ông không dám nghĩ tới. Tuy vậy, trong thâm tâm ông vẫn đau đáu một nỗi niềm muốn làm một cái gì đó để đóng góp cho quê hương xứ Nghệ.
“Năm 2013, tôi về hưu và tôi nghĩ đây chính là thời gian mình có thể làm gì đó để đóng góp cho quê hương. Chính tình yêu quê hương giúp tôi có cảm giác thăng hoa trong quá trình viết sách. Tôi viết không vì mục đích kinh tế, cũng không nhận tiền từ cơ quan, tổ chức nào để viết mà viết hoàn toàn bằng tấm lòng của một người con dành cho quê hương mình”- Trung tướng Phan Đức Dư chia sẻ.
Cùng tham dự trong chương trình “Quê ta Tỉnh Nghệ - Thành Vinh” là tác giả Phạm Xuân Cần, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Vinh, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An. Ông cũng được nhiều người yêu quý đặt cho biệt danh là “nhà Vinh học” hoặc “nhà viết sử từ… Facebook”.
Năm 2007, ông Phạm Xuân Cần bắt đầu xuất bản cuốn sách đầu tiên là Văn hóa đô thị với thực tiễn thành phố Vinh, đoạt giải nhất Giải thưởng định kỳ về sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, năm 2010. Ấn phẩm này đã mở ra cho ông một hành trình đầy mới mẻ, đó là nghiên cứu và viết sách về Vinh xưa.
Đến nay, ông Phạm Xuân Cần đã là tác giả của nhiều đầu sách có giá trị về thành phố Vinh. Trong đó, cuốn sách ảnh Vinh xưa của ông đã được trao Giải Bạc sách đẹp và Giải Đồng sách hay (Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016). Mới đây, ấn phẩm Tìm dấu Vinh xưa của ông cũng đã được đề cử trao giải thưởng Sách Quốc gia năm 2024.
Chia sẻ về lý do tổ chức chương trình “Quê ta Tỉnh Nghệ - Thành Vinh” tại TPHCM, bà Bùi Thị Ngọc, cho biết NXB Nghệ An với tiền thân là NXB Nghệ Tĩnh, đã có gần 50 năm hoạt động. Trải qua gần nửa thế kỷ, trong suốt nhiều mảng đề tài xuất bản, NXB Nghệ An có lợi thế đề tài khi khai thác về lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, bao gồm Nghệ An và Nghệ Tĩnh. Đây thực sự là kho tàng, trầm tích mà tôi nghĩ là khai thác hoài cũng chưa thể hết được.
“Với gần 10.000 đầu sách đã xuất bản trong gần 50 năm qua, rất nhiều đầu sách về địa chí văn hóa xứ Nghệ, được chúng tôi lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng bạn đọc trong cả nước, thậm chí ra cả nước ngoài. Tại Vinh và Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu, giới thiệu và lan tỏa những đầu sách về văn hóa, lịch sử xứ Nghệ. Và chúng tôi nhiều lần mơ ước được một lần mang giá trị văn hóa của xứ Nghệ vào TPHCM để giới thiệu đến bạn đọc nơi đây cũng như bạn đọc phía Nam nói chung”, bà Bùi Thị Ngọc cho biết.
Cũng theo bà Bùi Thị Ngọc, sau chương trình “Quê ta Tỉnh Nghệ thành Vinh” được xem như là chương trình giới thiệu sách đầu tiên, NXB Nghệ An hy vọng sẽ có thêm nhiều buổi giới thiệu sách, không chỉ là văn hóa, lịch sử mà còn là về văn học nghệ thuật, kinh tế xã hội và các mảng sách khác của xứ Nghệ đến với đông đảo bạn đọc TPHCM và phía Nam.