Nỗ lực thu đủ bù chi
Với tư cách là người đứng đầu một trong những cơ sở giáo dục đang thực hiện tự chủ hoàn toàn tài chính ở TPHCM, thầy Phạm Thanh Nam, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Nam Sài Gòn (quận 7) cho biết: “Tự chủ một mặt có thể giúp các trường chủ động tổ chức hoạt động giáo dục song cũng là áp lực vì chỉ cần sơ sẩy một chút là sẽ bị phụ huynh kiện. Nguyên nhân, do hiện nay chưa có hành lang pháp lý đầy đủ về mức thu đối với loại hình này, nhất là bậc tiểu học có quy định không thu học phí nên để có tiền trang trải chi phí, chúng tôi phải linh hoạt nhiều cách, không dám sử dụng từ thu học phí vì dễ gặp phản ứng của phụ huynh”.
Trong khi đó, ở các bậc học khác, mức thu học phí cũng không tăng trong vòng 20 năm trở lại đây bất kể tình hình trượt giá và nhiều thay đổi về điều kiện thực tế. Chưa kể, trong một số hoạt động như bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, mua sắm trang thiết bị trường học, bổ sung sách cho thư viện, cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính còn bị đánh đồng với trường tư thục nên không được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí. “Năm nào chúng tôi cũng phải xây dựng mới kế hoạch thu chi, năm trước đã thực hiện chưa chắc năm sau làm được. Phụ huynh hài lòng mới chi tiền nên công việc rất áp lực”, thầy Phạm Thanh Nam bày tỏ.
Ở góc độ khác, thầy Nguyễn Long Giao, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8), cho biết, suốt thời gian trường học tạm đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nếu không có ngân sách nhà nước hỗ trợ chi trả lương cho đội ngũ thì các trường sẽ không trụ được vì không có nguồn thu do học sinh tạm ngừng đến trường. Đồng tình với quan điểm này, thầy Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, nêu ý kiến, để thực hiện tự chủ, các trường phải đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi. Tuy nhiên, thu đủ bù chi không phải chỉ tính chi tiêu trong hiện tại mà phải chi đủ cho con người và tái đầu tư cơ sở vật chất. Hiện nay, các trường tự chủ vẫn thu học phí theo quy định năm học của Bộ GD-ĐT là 9 tháng nhưng phải đảm bảo chi trả chi phí hoạt động cho 12 tháng vì 3 tháng hè trường vẫn trả lương cho đội ngũ và tái đầu tư cơ sở vật chất.
“Quá độ” thông qua mô hình tiên tiến
So với bậc đại học, khái niệm tự chủ còn khá mới đối với các trường phổ thông. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Vân, chuyên gia Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, hiện nay, hầu hết địa phương đang triển khai mô hình tự chủ theo hướng thí điểm do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), cho rằng, khi thực hiện tự chủ, yêu cầu về bộ máy nhân sự và chuyên môn có thể thực hiện được, nhưng nếu không tự chủ được về tài chính sẽ khó thực hiện các tự chủ khác vì cần có nguồn chi lương thu hút giáo viên giỏi, kinh phí tổ chức các hoạt động giáo dục chất lượng cao như tiếng Anh, Tin học... Ngoài ra, theo cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), mô hình trường tự chủ không nên thực hiện đại trà mà tùy vào điều kiện thực tế ở từng địa phương, có thể thực hiện tự chủ từng phần.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam, các cơ sở giáo dục đang tự chủ ở nhiều mức độ khác nhau do phụ thuộc điều kiện kinh tế ở từng khu vực nội thành hay ngoại thành, trường có sĩ số học sinh đông hay ít, loại hình trường đang hướng đến... Hiện nay, TPHCM đang thực hiện phân bổ ngân sách theo định mức số học sinh chứ không theo cơ chế xin cho, đồng thời giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng trong tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm tăng tính tự chủ cho cơ sở. |