Mâu thuẫn giữa mục tiêu hướng nghiệp và thi cử
Chương trình giáo dục phổ thông đặt ra hai mục tiêu lớn là cung cấp kiến thức phổ thông toàn diện và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện đồng thời hai mục tiêu này là rất khó. Việc học sinh phải học quá nhiều môn từ tự nhiên, xã hội đến nghệ thuật tạo ra nền tảng kiến thức rộng nhưng thiếu chuyên sâu, không đủ điều kiện để phát triển một ngành nghề cụ thể.
Trong khi đó, việc định hướng nghề nghiệp yêu cầu học sinh sớm tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể và rèn luyện kỹ năng thực hành, điều mà chương trình phổ thông hiện nay chưa đáp ứng được.
Hiện nay, sự phân hóa không rõ ràng trong chương trình học là một vấn đề lớn. Nếu chỉ chia học sinh thành hai nhóm chính là khoa học tự nhiên - kỹ thuật và khoa học xã hội - nhân văn thì định hướng nghề nghiệp chỉ dừng lại ở mức độ khái quát, không đủ chi tiết để học sinh có thể chọn lựa đúng đắn cho tương lai nghề nghiệp của bản thân. Ví dụ, một học sinh học khối tự nhiên có thể muốn theo ngành dược phẩm hoặc kỹ sư công nghệ, nhưng cả hai ngành này yêu cầu những kiến thức và kỹ năng khác nhau.
Từ thực tế đó, tình trạng học sinh học lệch để chạy theo kỳ xét tuyển đại học là một trong những hệ quả tất yếu. Học sinh thường tập trung học các môn trong tổ hợp xét tuyển đại học, bỏ qua những môn học không phục vụ mục đích thi cử.
Điều này khiến mục tiêu “hướng nghiệp” bị thay thế hoàn toàn bởi “hướng thi”, làm mất đi sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai nghề nghiệp và thị trường lao động. Khi ra trường, nhiều học sinh chỉ nắm vững lý thuyết nhưng thiếu kỹ năng thực hành, không thể tham gia ngay vào môi trường làm việc thực tế.
Thiếu liên kết với thị trường lao động
Chương trình giáo dục phổ thông hiện tại đang thiếu sự kết nối với thị trường lao động. Dù có khái niệm về hướng nghiệp, học sinh vẫn không được tạo điều kiện để trải nghiệm thực tế, tham gia các dự án hay thực tập tại doanh nghiệp. Hậu quả là học sinh ra trường không có kỹ năng cần thiết để làm việc ngay, phải đối mặt với tình trạng mất phương hướng, không biết nên làm gì để phát triển sự nghiệp.
Việc phân luồng học sinh hiện chỉ chia thành hai nhóm lớn là đại học hoặc giáo dục nghề nghiệp, khiến hệ thống giáo dục thiếu linh hoạt, đặc biệt khi học sinh muốn chuyển đổi ngành nghề sau này. Điều này làm cản trở quá trình phát triển chuyên môn sâu, khiến nhiều học sinh phải học lại từ đầu nếu muốn theo đuổi một ngành nghề cụ thể.
Trong khi đó, bài học từ mô hình quốc tế cho thấy, các nước có hệ thống giáo dục tiên tiến đã nhận ra vai trò quan trọng của việc hướng nghiệp sớm và liên kết chặt chẽ với thị trường lao động. Đức là một ví dụ điển hình với mô hình đào tạo kép, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại doanh nghiệp. Học sinh ở Đức được phân luồng sớm và phát triển kỹ năng nghề nghiệp qua việc tham gia trực tiếp vào môi trường lao động thực tế.
Tương tự, ở Australia, chương trình giáo dục nghề nghiệp kết hợp giữa học phổ thông và học nghề giúp học sinh linh hoạt lựa chọn giữa việc học tiếp hoặc gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp. Các kỹ năng của học sinh được công nhận theo khung trình độ quốc gia, giúp họ có thể dễ dàng chuyển đổi công việc hoặc tiếp tục học lên cao.
Giải pháp cải thiện hướng nghiệp tại Việt Nam
Để khắc phục những hạn chế nói trên, cần tái cấu trúc chương trình giáo dục phổ thông cho phù hợp hơn với mục tiêu hướng nghiệp. Việc định hướng sớm và phân chia thành các lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể như y tế, kỹ thuật, nghệ thuật, quản trị kinh doanh, khoa học xã hội nên được thực hiện tại các trường trung học nghề hoặc kỹ thuật. Đây là mô hình đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia và có sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp, giúp học sinh vừa học lý thuyết, vừa tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Song song đó, cần phát triển đội ngũ tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp, có kiến thức sâu về thị trường lao động và các ngành nghề trong trường phổ thông, giúp học sinh khám phá khả năng của bản thân và xác định lộ trình phát triển phù hợp. Đội ngũ này có thể đến từ cả khu vực nhà nước và tư nhân, đảm bảo rằng học sinh nhận được sự hỗ trợ tối ưu trong việc xác định tương lai nghề nghiệp.
Một giải pháp khác là tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, tạo điều kiện để học sinh tham gia các chương trình thực tập ngắn hạn hoặc làm việc tại các dự án thực tế. Sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp học sinh có cái nhìn rõ ràng hơn về nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi, đồng thời phát triển kỹ năng thực hành cần thiết cho công việc.
Mặt khác, cần đổi mới thể chế về quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo, tái cấu trúc chương trình học, tăng cường liên kết với thị trường lao động, đồng thời xây dựng hệ thống tư vấn hướng nghiệp hiệu quả hơn. Điều này không chỉ giúp học sinh học để thi, mà còn học để làm, để thành công trong sự nghiệp.
Trước năm 1975, miền Nam có hệ thống giáo dục hướng nghiệp khá rõ ràng và phân biệt với giáo dục phổ thông. Các trường kỹ thuật như Cao Thắng, Phú Thọ tập trung đào tạo kỹ năng thực hành cho học sinh, giúp người học có thể tham gia vào thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp. Ở miền Bắc, các xưởng thực tập được tổ chức ngay trong trường phổ thông phù hợp với nền kinh tế giai đoạn đó