Hướng đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thể dục thể thao, mới đây, Cục Thể dục thể thao (TDTT) và Trường Đại học Đại Nam vừa ký cam kết hợp tác, hỗ trợ triển khai chính sách trao học bổng toàn phần cho các vận động viên (VĐV) thuộc đội tuyển quốc gia, các cá nhân có thành tích đặc biệt trong lĩnh vực TDTT, có mong muốn ứng tuyển vào các ngành đào tạo và cấp bậc đào tạo hiện có của trường này.
Cục TDTT cũng từng liên kết với các Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Sư phạm TDTT TPHCM… để có chính sách tương tự cho các tuyển thủ quốc gia giành thứ hạng cao ở đấu trường Asiad, Olympic, giải vô địch thế giới, được theo học các ngành yêu thích.
Cụ thể: Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trao tặng học bổng toàn phần cho cầu thủ Nguyễn Quang Hải, VĐV điền kinh Quách Thị Lan (Huy chương vàng SEA Games 30), võ sĩ Nguyễn Thị Hằng (wushu), Nguyễn Thanh Duy (karate), Nguyễn Thu Hoài (bóng chuyền). Đại học Thể thao Bắc Ninh trao học bổng toàn phần 4 năm cho VĐV Phạm Ngọc Châm (Huy chương đồng taekwondo tại Asiad 19). Hay như cầu thủ trẻ tài năng Phạm Thành Long nhận học bổng 4 năm tại Đại học Sư phạm TDTT TPHCM…
Nhiều trường trong đó có ĐH FPT, ngoài việc cấp học bổng hệ đại học chính quy các ngành phù hợp với các VĐV thể thao thành tích cao với trị giá học bổng 100%, 70%, 50% tương ứng với thành tích huy chương vàng, bạc, đồng của VĐV, còn có chính sách tuyển dụng VĐV, cựu VĐV, tài năng thể thao thành tích cao.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt khẳng định, thông qua chương trình thỏa thuận hợp tác đào tạo này, ngành TDTT tin tưởng các VĐV sẽ vững tin, tiếp tục cống hiến thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, yên tâm với con đường mình đã chọn vì đã có những chính sách quan tâm hướng nghề sau khi họ kết thúc thi đấu. Qua đó giúp ngành TDTT xây dựng được nguồn nhân lực chuyên môn có kiến thức đa dạng, tổng hợp đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Định hướng nghề nghiệp cho VĐV trước và sau thời gian thi đấu luôn là “điểm nghẽn” trong chiến lược phát triển nguồn lực của thể thao Việt Nam. Trong bối cảnh mà nguồn ngân sách chi cho hoạt động huấn luyện, thi đấu luôn ở mức khiêm tốn, công tác chế độ cho VĐV không thể theo kịp nhu cầu. Yếu tố bán chuyên của nền thể thao cũng khiến cho thu nhập và khả năng tích lũy của VĐV bấp bênh, chủ yếu dựa vào thành tích thi đấu quốc tế trong khi chấn thương và những lo toan “hậu thi đấu” thì thường trực khiến VĐV không thể chuyên tâm theo đuổi đam mê của mình.
Định hướng “trao cần câu, không trao con cá” của ngành TDTT là một hướng đi mang tính chiến lược, lâu dài nhưng rõ ràng, để triển khai ý tưởng này, cần có sự chung tay từ các tổ chức, đơn vị giáo dục như thời gian gần đây. Thực tế, đây là cái “bắt tay” đem lại lợi ích cho cả hai. Một số trường đại học đã phát triển một số ngành đào tạo mới để bắt kịp xu hướng thế giới như marketing thể thao, quản lý thể thao… và nhu cầu thu hút sinh viên thông qua hình ảnh thành công của các VĐV thể thao tài năng cũng là cách làm sáng tạo của các trường, chưa kể các ngành học này sẽ nhận được sự quan tâm lớn của những VĐV thể thao đỉnh cao.
Hướng nghiệp cho VĐV, tài năng thể thao vừa góp phần nâng cao tri thức cho VĐV thể thao, vừa tạo hiệu ứng phát triển phong trào thể thao trong sinh viên, tạo đà phát triển chiến lược thể thao học đường, một trong những “cột trụ” quan trọng của thể thao đỉnh cao, đó là một hướng đi dài hạn và đầy tâm huyết của thể thao Việt Nam. Qua đó, cũng cần có thêm sự chung tay của xã hội với sự nghiệp thể thao nước nhà.