Những năm qua, cùng với sự mở cửa, hợp tác giao thương, lớn mạnh của đất nước, đông đảo người dân trong nước đã làm việc và tích lũy được số tiền không nhỏ. Ngoài ra, người Việt ở khắp nơi trên thế giới đã gửi về Việt Nam khoản tiền không nhỏ.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), từ những năm 2000, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đã vào khoảng 3 tỷ USD/năm và liên tục tăng cho đến nay bất chấp dịch Covid-19 hoành hành ở khắp nơi trên thế giới, dự báo sẽ lên tới khoảng 20 tỷ USD, tương đương 5% GDP. Đó là chưa kể thông tin trước đây từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy còn có khoảng 500 tấn vàng đang nằm trong két sắt của người dân.
Có 5 kênh đầu tư mà hầu hết người Việt Nam hay bỏ tiền vào nhất - theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cùng một số tổ chức nghiên cứu thị trường khác, đó là bất động sản, chứng khoán, tiết kiệm, trái phiếu và vàng. Tất cả đều là kênh đầu tư hợp pháp nhưng nó có những tác động rất khác nhau đến sự phát triển kinh tế chung của đất nước.
Tiền “đổ” vào bất động sản mà bất động sản không được khai thác, đưa vào sử dụng, thì đồng tiền sẽ bị “chôn” ở đây, và hệ lụy cũng sẽ không dừng ở đó mà còn đưa đến một hậu quả tệ hại hơn, đó là lãng phí đất đai - nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của đất nước. Tương tự, mua vàng cất trong két sắt, tiền sẽ bị “đóng băng” mà chẳng giúp tạo ra của cải cho xã hội.
3 kênh đầu tư còn lại, cơ bản “dẫn” vốn vào sản xuất tốt hơn. Thế nhưng 3 kênh này đang tồn tại không ít vấn đề cần hoàn thiện. Kênh tiết kiệm tiền đồng của nhiều ngân hàng đang kém hấp dẫn do lãi suất huy động thấp. Các ngân hàng không nhận gửi vàng hoặc chỉ nhận giữ giùm với điều kiện người gửi trả phí. Với ngoại tệ cũng vậy, ngân hàng chỉ nhận gửi với lãi suất 0%. Việc này bắt nguồn từ chủ trương “chống đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế” của Ngân hàng Nhà nước. Đây là chủ trương đúng đắn nhưng để “kéo” 500 tấn vàng trong nhà dân để đưa vào sản xuất, rõ ràng rất cần thêm giải pháp.
Chứng khoán “thăng hoa”, liên tục lập đỉnh trong thời gian gần đây cho thấy sức hấp dẫn ngày một lớn của kênh hút vốn này, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chứng khoán tăng mạnh nhưng phần lớn ngành sản xuất, kinh doanh lại không tăng trưởng, thậm chí tiềm ẩn rủi ro “bong bóng tài sản”.
Cũng vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động nhưng tập trung phần lớn là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng. Sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vào hoạt động này rất hạn chế. Đáng lo ngại, có tới khoảng 40% trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo.
Đặc biệt, 2 công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp trong nước được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động, đều chưa hoạt động. Việc thiếu hoạt động xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp tạo ra rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp quản lý, phòng ngừa rủi ro cho thị trường này, nhưng theo nhiều chuyên gia, trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở giai đoạn “vàng thau lẫn lộn”, vì doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp yếu kém hơn vẫn chào lãi suất ngang nhau, khách hàng không thể đánh giá hết được.
Thế nhưng, 5 kênh nêu trên vẫn là các kênh đầu tư mà người Việt đang ưa chuộng. Do đó, khắc phục những bất cập nêu trên là việc mà các ngành chức năng nên làm ngay, bởi không chỉ làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư yên tâm, mà đặt trong bối cảnh Nhà nước huy động mọi nguồn lực để phục hồi kinh tế thì đây là nguồn lực cực lớn không thể bỏ qua.
Chưa kể, với việc huy động nguồn lực trong nước, thì khi Nhà nước hay tổ chức tài chính, doanh nghiệp trả nợ và lãi, nguồn tiền vẫn lưu thông trong nền tài chính quốc gia.