Không nao núng
Trong thông báo mới đây trên trang web chính thức, hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới Tesla cho biết sẽ ưu đãi giảm 5.000 USD/xe đối với các mẫu xe hạng sang như xe sedan cỡ lớn dòng S và xe SUV cỡ lớn dòng X. Tesla cũng giảm 2.000 USD/xe đối với xe SUV cỡ nhỏ dòng Y - mẫu xe ăn khách nhất của hãng, đồng thời giảm 1.000 USD/xe đối với 3 mẫu xe sedan cỡ nhỏ khác.
Đây là lần thứ 3 trong năm nay, Tesla của Mỹ giảm giá toàn bộ dòng sản phẩm xe điện tại thị trường trong nước nhằm thu hút thêm khách hàng. Ngoài nhà máy sản xuất ở Fremont (bang California), Tesla đã xây thêm một nhà máy công suất lớn ở gần thành phố Austin. Hãng này cũng đã xây các nhà máy mới ở Thượng Hải (Trung Quốc) và gần Berlin (Đức).
Trong khi Mỹ, châu Âu, Trung Quốc chạy đua chiếm lĩnh thị trường xe điện (EVs) trên thế giới, thậm chí thiết lập chỗ đứng cho xe điện của họ tại Nhật Bản, thì quốc gia này lại triển khai các mục tiêu đầy tham vọng hơn, đó là kiên trì các loại xe hybrid và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro.
Theo Japan Times, năm ngoái, 59.000 xe điện mới đã được bán tại Nhật Bản, là mức tăng kỷ lục và gấp 3 lần hàng năm. Nhưng xe điện vẫn chỉ chiếm 2,1% doanh số bán xe du lịch mới tại đây trong năm tài chính 2022, so với gần 20% ở Trung Quốc, khoảng 15% ở Tây Âu và 5,3% ở Mỹ. Tình hình ở Nhật Bản có vẻ khác thường, vì ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản - sử dụng 8% lực lượng lao động của đất nước và chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này vẫn đi tiên phong phát triển song song ô tô điện và hybrid.
Lý do thận trọng
Mặc dù xe điện có lịch sử lâu đời ở Nhật Bản, với Mitsubishi Motors ra mắt i-MiEV vào năm 2009 và Nissan ra mắt mẫu xe Leaf một năm sau đó, nhưng xe hybrid có vẻ như một lựa chọn tốt hơn và chúng đã chứng tỏ sức bền khi vẫn chiếm hơn 40% doanh số bán hàng tại Nhật Bản vào năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng sự thận trọng của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khi không vội vàng từ bỏ các dòng xe hiện có không phải không có cơ sở, nhất là vào thời điểm mới ra đời, các mẫu xe này đắt tiền vì pin và được coi là không thực tế do thiếu mạng lưới sạc trên toàn quốc. Đến nay, mặc dù chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng số lượng trạm sạc từ 30.000 lên 150.000 trạm vào năm 2030; nhưng báo Japan Times dẫn lời ông Kuniharu Tanabe, Giám đốc bộ phận công nghiệp ô tô của Bộ Thương mại Nhật Bản cảnh báo rằng xe điện vẫn “đắt và nguồn lực hạn chế”. Vì xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro chỉ xả nước trong quá trình lái xe nên chúng cũng được coi là “giải pháp cuối cùng” cho xe năng lượng mới. Trong khi đó, công nghệ hybrid có giá cả phải chăng và ít khí thải.
Bộ trưởng Thương mại Yasutoshi Nishimura cho biết: “Khi nhu cầu về pin xe điện tăng lên, việc đảm bảo các khoáng chất quan trọng cần thiết cho quá trình sản xuất pin là một vấn đề cấp bách”. Mặc dù mới đây, Mỹ và Nhật Bản đã đồng ý không hạn chế thương mại đối với các nguyên tố công nghiệp quan trọng như lithium, niken, coban, than chì và mangan, nhưng theo giới phân tích ô tô, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã đúng khi cẩn trọng, đặc biệt trước khả năng thiếu hụt nguyên liệu thô như lithium trong tương lai là rất lớn, dẫn đến khả năng bị phụ thuộc nước ngoài. Một loạt các chính sách tiếp theo gần đây cho thấy Nhật Bản coi phương tiện sử dụng năng lượng hydro là phương tiện thay thế duy nhất cho phương tiện sử dụng nhiên liệu, cũng như cố gắng đạt được sự phổ biến hoàn toàn của phương tiện sử dụng năng lượng hydro vào năm 2050.
Hydro là con đường kỹ thuật phù hợp nhất cho Nhật Bản. Bởi các nguồn tài nguyên trong nước của Nhật Bản cực kỳ khan hiếm, bao gồm lithium, niken và coban, những nguyên liệu chính để sản xuất pin lithium. Các phương tiện sử dụng năng lượng hydro mặc dù cũng cần kim loại hiếm nhưng chủ yếu tiêu thụ nhiều điện năng, và sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nhật Bản có thể giải quyết vấn đề này. Trong tầm nhìn của chính phủ Nhật Bản, hydro sẽ giúp Nhật Bản đạt được sự độc lập về năng lượng và họ có kế hoạch xây dựng 1.000 trạm tiếp nhiên liệu hydro vào năm 2030.
Trong khi xe chạy bằng năng lượng hydro đang được xem là “canh bạc” của Nhật Bản thì dường như Telsa cũng nhìn ra vấn đề này. Trong báo cáo “Kế hoạch tổng thể phần 3” vừa công bố ngày 5-4, hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới thông báo kế hoạch mở rộng việc sử dụng pin lithium sắt phosphate (LFP) có chi phí thấp hơn cho phiên bản xe đầu kéo điện hạng nặng Semi và một mẫu xe điện giá rẻ. Tesla cho biết sẽ sử dụng pin LFP cho mẫu xe đầu kéo điện hạng nặng phạm vi ngắn Semi Light. Ngoài ra, hãng sẽ sử dụng pin LFP công suất 53 kWh cho loại xe điện nhỏ. Giám đốc điều hành Tesla, tỷ phú Elon Musk và những người ủng hộ việc sử dụng pin LFP cũng nhấn mạnh lợi thế giá rẻ và mức độ sẵn có chính là yếu tố quan trọng bù lại những hạn chế của sắt. Tesla đang lấy nguồn pin LFP từ Công ty Contemporary Amperex Technology của Trung Quốc, hiện chưa có nhà máy ở Mỹ. Trong khi đó, nhà cung cấp khác của Tesla là Công ty LG Energy Solution của Hàn Quốc cho biết có kế hoạch sản xuất pin LFP tại nhà máy ở Arizona.