Giải pháp hữu hiệu
Từ đầu mùa dịch đến nay, Nhã Nam đã tổ chức 6 cuộc tọa đàm giao lưu trực tuyến (online) với các tác giả: bác sĩ Trương Hữu Khanh, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, tác giả Chương Đặng và tọa đàm về cuốn tiểu thuyết 2666 của Roberto Bolaño. Công ty sách Đông A livestream giới thiệu tiểu thuyết Khát vọng sống của tác giả Irving Stone. Công ty sách Thái Hà tổ chức livestream giới thiệu cuốn sách This is for you - Yêu thương mình bằng trái tim dịu dàng nhất. Không thể tổ chức giao lưu tại Đường sách TPHCM giống như trước, Anbooks và NXB Văn hóa - Văn nghệ giới thiệu bộ sách Chuyện ngày mưa đến độc giả thông qua chương trình giao lưu ra mắt sách trực tuyến trên fanpage của đơn vị này.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, kéo dài từ ngày 19-4 đến 10-6, ban tổ chức hội sách cũng đã lựa chọn hình thức giao lưu trực tuyến để kết nối độc giả trên khắp mọi miền đất nước với các tác giả, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Nhiều chương trình giao lưu đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc như tọa đàm giao lưu trực tuyến cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với chủ đề Hội chợ sách Lahabana và câu chuyện văn hóa đọc ở đất nước Cuba anh hùng; chương trình Những giá trị của thơ trong thời đại 4.0 với nhà thơ Nguyễn Phong Việt…
So với hình thức giao lưu truyền thống, rõ ràng hình thức online có những điểm mạnh nhất định: Không có khoảng cách về không gian địa lý, không tốn quá nhiều chi phí (thuê địa điểm, âm thanh, ánh sáng…), đánh giá được ngay lập tức mức độ hài lòng của độc giả… “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, của các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, giao lưu trực tuyến đã trở thành một trong những xu hướng truyền thông được các đơn vị kinh doanh trên mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề lựa chọn thực hiện. Và ngành xuất bản cũng không ngoại lệ”, bà Phạm Thủy, Giám đốc đối ngoại truyền thông Thái Hà Books cho biết.
Tổ chức song song
Không thể phủ nhận ưu điểm cũng như sự thức thời của hình thức giao lưu trực tuyến, tuy nhiên hình thức này cũng bộc lộ không ít nhược điểm. Dễ nhận thấy nhất là cần phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật, thiết bị ghi hình, ghi âm, đường truyền Internet phải mạnh để tránh gián đoạn. Ngoài ra, với hình thức giao lưu trực tuyến, độc giả không được trực tiếp gặp gỡ, chào hỏi, chụp ảnh, xin chữ ký, hay bày tỏ cảm xúc với tác giả. Vậy hình thức này có thể thay thế được hình thức giao lưu truyền thống hay không?
Vào ngày 18-5, Nhã Nam bắt đầu khởi động dự án Bàn tròn văn học, với chuỗi giao lưu qua livestream trên fanpage đơn vị và trên nền tảng ứng dụng Zoom. “Sau các cuộc giao lưu, tọa đàm online, đã có những phản hồi tích cực của người nghe và xem, cho thấy họ hứng thú với cách thức này. Cuộc tọa đàm khá hàn lâm về cuốn 2666 chẳng hạn, gần như khán giả trong Zoom ngồi nghe từ đầu đến cuối và nếu có thời gian thì chắc là họ còn muốn nghe nữa, khiến chúng tôi cũng thấy ngạc nhiên”, bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam) tiết lộ.
Chính vì những hữu ích như vậy nên bà Diệu Thủy cho biết, trong thời gian tới, Nhã Nam sẽ đẩy mạnh thêm hình thức online nhưng sẽ tổ chức song song với hình thức offline. “Offline truyền thống vẫn có giá trị, ý nghĩa riêng; việc đến một cuộc tọa đàm gặp tác giả trực tiếp, xin chữ ký… vẫn là những giá trị của lối sống, của văn hóa đọc không nên xóa bỏ. Chúng tôi muốn tận dụng điểm mạnh của cả 2 hình thức để giúp người đọc tiếp cận với sách nhiều hơn nữa”, bà Diệu Thủy nói thêm. Đây cũng chính là lựa chọn của Thái Hà Books trong thời gian tới, tuy nhiên, đơn vị này sẽ căn cứ vào nội dung cụ thể của từng ấn phẩm để có những hình thức giao lưu phù hợp.
Mặc dù chưa thể thay thế hình thức giao lưu trực tiếp, tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, hình thức giao lưu trực tuyến vẫn có những ưu điểm riêng mà hình thức trực tiếp không có. Vấn đề cần đặt ra: Làm thế nào để giao lưu trực tuyến đạt hiệu quả cao và phát huy được lợi thế của nó? Theo bà Phạm Thủy, nội dung phải luôn cuốn hút và gợi mở để thu hút sự theo dõi của độc giả nhưng không được quá dài và cũng không được quá ngắn. “Thông thường sự kiện offline có thể diễn ra trong vòng 2-3 giờ, nhưng với hình thức online chỉ nên tầm trên dưới một giờ”, bà Phạm Thủy bày tỏ.
Hình thức giao lưu trực tuyến phụ thuộc rất nhiều về mặt kỹ thuật, bởi đây là sợi dây kết nối với độc giả. Vậy nên, đây chính là điều mà các đơn vị cần khắc phục cũng như ưu tiên khi có kế hoạch tổ chức giao lưu trực tuyến.
Từ thành công của lần đầu tổ chức, Nhà sách Khai Tâm kết hợp với Cà phê sách Sài Gòn năm xưa tiếp tục tổ chức sự kiện Mang sách cũ làm chủ sách mới từ 8 - 15 giờ, ngày 27-6 tại Nhà sách Khai Tâm (số 8 Nguyễn Phi Khanh, phường Tân Định, quận 1, TPHCM). Bạn đọc mang sách cũ đến Nhà sách Khai Tâm để chuyên viên thẩm định và ghi nhận lại giá trị. Sau đó, bạn đọc sẽ lựa những cuốn sách mới yêu thích (được chiết khấu 15% theo giá bìa, do Khai Tâm và các đơn vị khác xuất bản) và tiến hành trao đổi. QUỲNH YÊN |