Nghiên cứu được thực hiện trên chuột thí nghiệm. Trong đó, chuột bị làm tê liệt tạm thời thần kinh cột sống, hai chân mất cảm giác và không thể cử động. Tuy nhiên, khi được gắn thần kinh nhân tạo, nó bắt đầu có thể di chuyển và cử động chân từng chút một. Thần kinh nhân tạo giúp truyền đạt kích thích bên ngoài thay cho dây thần kinh, khiến chân chuyển động.
Thần kinh nhân tạo là một công nghệ mô phỏng hệ thần kinh sinh học, trong đó bao gồm tế bào thần kinh neuron và khớp thần kinh synapse kết nối các tế bào thần kinh với nhau. Nguyên lý hoạt động của thần kinh nhân tạo là sử dụng điện cực để tạo kích thích lên cơ thể, đi qua các neuron nhân tạo và synapse nhân tạo để truyền và nhận tín hiệu điện, khiến cơ bắp chuyển động.
Giáo sư Lee Tae-woo của Đại học Quốc gia Seoul, đồng tác giả của công trình nghiên cứu, cho biết đây là một bước đột phá mới về cách tiếp cận kỹ thuật đối với một nghiên cứu ở lĩnh vực sinh học, y học trước đây. Bốn năm trước, giáo sư cùng đồng nghiệp Zhenan Bao của Đại học Stanford (Mỹ) đã thành công khi thử nghiệm thần kinh nhân tạo với côn trùng. Trong thử nghiệm trên động vật lần này, các chuyển động được thực hiện một cách tinh vi hơn, nên công trình nghiên cứu được đánh giá là đã tiến gần hơn một bước nữa để áp dụng lâm sàng trên con người.
Công nghệ thần kinh nhân tạo được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi mới trong điều trị các bệnh thần kinh hiếm gặp như Parkinson, bệnh xơ cứng teo cơ một bên (bệnh Lou Gehrig) trong tương lai không xa.