Thay đổi cục diện bằng thuốc
Theo trang thống kê worldometers.info sáng 29-12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận gần 1,2 triệu ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo những nguy cơ do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omircron hiện vẫn ở mức rất cao. Giới chức y tế Pháp, Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha đều ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 ở mức kỷ lục, từ 120.000 - 180.000 ca mắc mới mỗi ngày. Tại châu Á, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã ban bố mức báo động màu vàng do số ca mắc mới tăng cao, theo đó kích hoạt một loạt biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong hai tuần, tỷ lệ các ca nhiễm Omicron đã tăng từ 2-3% lên 25-30%.
Trong bối cảnh đó, các thông tin về thuốc điều trị kháng virus Paxlovid của Hãng dược phẩm Pfizer và thuốc Molnupiravir do Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển đã được các chuyên gia đánh giá có thể thay đổi cục diện chống dịch đối với những người dễ tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19, do có thể giúp họ tránh nguy cơ nhập viện và tử vong chỉ bằng cách đơn giản: uống thuốc trong 5 ngày, mỗi ngày 2 lần. Các nhà nghiên cứu cho biết, thuốc Paxlovid có hiệu quả tới 88-89% trong việc ngăn chặn nguy cơ bệnh trở nặng, khi dùng trong vòng 3-5 ngày đầu sau khi xuất hiện triệu chứng Covid-19. Trong khi đó, Molnupiravir cũng cho thấy hiệu quả, dù ở mức độ thấp hơn so với kỳ vọng.
Tuy nhiên, giới chuyên gia Mỹ cũng cho biết ngoài việc trở thành bước đột phá đáng kể, hai loại thuốc kháng virus này cũng đi kèm một số cảnh báo, vì sẽ chỉ được áp dụng đối với những người có nguy cơ cao phải nhập viện hoặc tử vong do Covid-19. Thuốc của Merck sẽ không được áp dụng đối với trẻ em hoặc người đang mang thai. Trong khi đó, thuốc của Pfizer được khuyến nghị không sử dụng cho những người có vấn đề về gan hoặc thận và có thể phát sinh các phản ứng phụ nếu tương tác với các loại thuốc khác cùng sử dụng trong quá trình điều trị.
Giải pháp mới từ kinh nghiệm cũ
Bài viết của The Hill chỉ ra những biện pháp phòng dịch hữu hiệu mà thế giới cần sử dụng để phòng ngừa Omicron và các biến thể khác trong tương lai. Phòng tuyến đầu tiên chính là y tế công. Việc tăng cường xét nghiệm, truy vết và thiết lập hệ thống cách ly có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm nhanh trong cộng đồng. Nhiều nước tại châu Á đã đẩy mạnh triển khai và đầu tư vào những hệ thống này ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, qua đó giúp giảm số ca mắc và tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, tại Mỹ, có nhiều báo cáo trong tuần này cho thấy người dân nước này vẫn đang phải xếp hàng nhiều giờ để xét nghiệm, trong khi các cửa hàng dược lại thiếu các bộ kit test nhanh. Đây giống như lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc cần liên tục đầu tư cho các biện pháp y tế công xuyên suốt đại dịch.
Biện pháp thứ hai là tăng cường các phương pháp điều trị. Tình hình dịch thời gian qua cho thấy một thực tế là vaccine đã không giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh và lây nhiễm như kỳ vọng. Tuy nhiên, vaccine đã giúp bảo vệ người dân trước nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, cũng như giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19. Do đó, vẫn còn hy vọng rằng các thế hệ vaccine tiếp theo sẽ giúp bảo vệ tốt hơn trước phần lớn các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Bài viết kết luận, để đánh bại virus SARS-CoV-2, cần có kháng thể đơn dòng sử dụng cho điều trị và phòng ngừa khi dịch bùng phát trong những nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao, chẳng hạn những người sinh sống ở nhà dưỡng lão. Dù biến thể Omicron đã biến đổi để kháng vaccine, song kinh nghiệm ứng phó với virus HIV sẽ đem lại giải pháp mới. Trên cơ sở đó, bài viết cho rằng thế giới cần sử dụng chiến lược tương tự để tạo ra các loại thuốc hiệu quả, tác dụng lâu dài nhằm bù đắp các lỗ hổng hiện nay về chiến lược bảo vệ người dân trong dài hạn.