UBND TPHCM yêu cầu Sở GD-ĐT triển khai các đề án, đề tài về tổ chức giảng dạy AI cho học sinh phổ thông. Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã đặt hàng Trường Đại học Sài Gòn xây dựng đề tài khoa học “Xây dựng nội dung giảng dạy AI cho học sinh phổ thông TPHCM”. Đề tài do Sở KH-CN TPHCM thành lập hội đồng đánh giá. Nếu đề tài được thông qua, từ năm học 2024-2025, TPHCM sẽ đưa AI vào giảng dạy đại trà cho học sinh phổ thông từ khối lớp 3.
Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều trường phổ thông trên địa bàn TPHCM đã chủ động đưa AI vào giảng dạy cho học sinh theo nhiều hình thức. Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong triển khai AI thành môn học trong chương trình giáo dục nhà trường, các đơn vị còn lại đều triển khai theo hình thức câu lạc bộ, sinh hoạt chuyên đề hoặc lồng ghép trong phương pháp giảng dạy cho học sinh. Qua nhiều năm tổ chức, đại diện các trường đều cho biết, việc tạo điều kiện cho học sinh sớm làm quen, tiếp cận kiến thức về AI là cần thiết trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển nhanh như hiện nay. Trong đó, ở cấp THPT, học sinh đã có nền tảng kiến thức công nghệ thông tin, đồng thời xác định được định hướng nghề nghiệp tương lai nên việc tiếp cận AI giúp các em bổ sung và hoàn thiện kỹ năng học tập trên môi trường số, đồng thời có lộ trình học tập phù hợp.
Tuy nhiên, đối với bậc tiểu học và THCS, học sinh chủ yếu làm quen các khái niệm, thuật ngữ AI ở mức độ cơ bản thông qua trò chơi tương tác, thiết kế sản phẩm đơn giản. Nếu triển khai AI thành môn học, chỉ có thể xem xét thí điểm ở quy mô nhỏ trước khi triển khai đại trà, đồng thời tính toán thời lượng, nội dung kiến thức sao cho phù hợp độ tuổi, không gây quá tải cho học sinh. ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Dự án phi lợi nhuận “AI cho giáo dục Việt Nam”, cho rằng, AI cần được phát triển theo hướng trí tuệ cộng sinh phục vụ cho yêu cầu đổi mới dạy và học chứ không nên xem là một môn học mới về công nghệ, tạo thêm áp lực cho các trường phổ thông.
Để dạy học AI đạt hiệu quả, ngoài việc xây dựng chương trình, hai yếu tố không thể thiếu là trình độ giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất. Thực tế, cần thẳng thắn thừa nhận năng lực công nghệ thông tin của giáo viên hiện nay chưa đồng đều. Mục tiêu chuyển đổi số đang được toàn ngành đẩy mạnh nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập, như một bộ phận giáo viên ngại đổi mới, sử dụng phương pháp dạy học cũ, hoạt động tập huấn chưa mang lại hiệu quả, trường học chưa có đủ trang thiết bị, công nghệ… Trong bối cảnh đó, dạy học AI không nên vội vàng mà cần chuẩn bị bài bản hơn về con người và điều kiện cơ sở vật chất, tránh việc chạy theo phong trào, không mang lại hiệu quả thực chất.