Hướng đi cho nông nghiệp Tây Ninh

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, cách TPHCM khoảng 100km và giáp ranh với nước bạn Campuchia, Tây Ninh có vẻ heo hút hơn so với các tỉnh còn lại. Song nhờ tận dụng lợi thế có sẵn cùng chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh này đang trên đường trở thành “thủ phủ” nông nghiệp công nghệ cao. 

 

Thủ tướng thăm cánh đồng mía tại xã Thành Long, huyện Châu Thành. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng thăm cánh đồng mía tại xã Thành Long, huyện Châu Thành. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tây Ninh có 240km đường biên giới với Campuchia, cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng giữa Campuchia, Thái Lan với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Tỉnh có quỹ đất phát triển nông nghiệp chiếm 96% diện tích đất tự nhiên, địa hình khá bằng phẳng, thuận tiện sử dụng cơ giới trong sản xuất với quy mô lớn.

Trong chuyến công tác đến Tây Ninh vào tháng 8-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm đến mô hình về nông nghiệp công nghệ cao là nông trường mía đường gần 1.000ha và dự án chế biến nông sản Tanifood. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Tây Ninh có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ đi liền với công nghiệp chế biến sâu; yêu cầu tỉnh tập trung xây dựng Tây Ninh trở thành một trung tâm sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước, một hình mẫu đi lên, làm giàu bằng nông nghiệp. 

Thực tiễn cho thấy, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đang phát triển nở rộ, như mô hình sản xuất mãng cầu VietGAP, bưởi da xanh, chuối già xuất khẩu, rau an toàn, rau nhà kính... Trong đó, mô hình trồng mãng cầu công nghệ cao không sử dụng thuốc trừ sâu gần 300ha quanh khu vực chân núi Bà Đen của Công ty cổ phần NATANI (tại xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh) cùng nhiều hộ dân tại các xã Tân Hưng (huyện Tân Châu)... đang mang lại hiệu quả cao, thu nhập của người dân tăng thêm khoảng 200 triệu đồng/ha/năm so với hình thức sản xuất truyền thống. 

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì thách thức luôn đi kèm, như sản phẩm nông nghiệp của các quốc gia có xu thế bảo hộ nông nghiệp ngày càng tăng, kể cả thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính trong thời gian qua. Đồng thời giá cả sản phẩm phải có tính cạnh tranh khi gia nhập thị trường thế giới; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là nguyên nhân dẫn đến sản phẩm nông nghiệp của tỉnh xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng hoành hành, các thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, trong đó yêu cầu vệ sinh an toàn đòi hỏi người sản xuất phải theo quy trình thực hành sản xuất VietGAP, GlobalGAP.

Nhận thức được vấn đề này, tỉnh Tây Ninh xác định trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc tập trung xây dựng nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với du lịch là trọng tâm và phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại, gia trại áp dụng khoa học kỹ thuật hơn 70% so với tổng đàn, thu nhập trồng trọt trên 100 triệu đồng/ha cùng nhiều nông sản thực phẩm an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và xây dựng ít nhất 2 - 3 thương hiệu nông sản đặc thù.
Trước mắt, giải pháp xây dựng cánh đồng lớn cho các loại cây trồng được coi là “điểm nhấn” trên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong nông dân ở những vùng có điều kiện, để tiến tới tự nguyện góp đất canh tác, liên kết với doanh nghiệp đầu tư thâm canh tăng năng suất và sản lượng cho từng loại cây trồng... 

Tin cùng chuyên mục