Phóng viên: Thưa ông, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm phát triển sáng tạo trong lĩnh vực phần mềm?
Ông Lâm Nguyễn Hải Long: Việt Nam đã rất thành công trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm trong thời gian qua. Bạn bè quốc tế đã xem Việt Nam là “Software Development Hub”- trung tâm gia công phần mềm ở tầm khu vực châu Á. Nhưng hiện nay đã khác, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nhà máy sản xuất phần cứng thông qua các dự án đầu tư của nhiều tập đoàn như Intel, Samsung, LG… đã tạo ra đội ngũ nhân lực được tiếp cận với các sản phẩm và công nghệ mới nhất của thế giới.
Với lợi thế nguồn nhân lực trẻ, đam mê công nghệ và có khả năng học hỏi cao là thế mạnh vô cùng lớn để Việt Nam tích cực triển khai nhiều mô hình mới, chính sách mới như chương trình đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hưởng ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Đặc biệt, trong năm 2019 đã chứng kiến sự trở lại của ngành CNTT khi thu hút nhiều thí sinh đại học… Đó là lý do tôi tin rằng Việt Nam có cơ hội trở thành “Innovation Hub”.
Với xu hướng hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp phải tham gia vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để đi đến Innovation Hub. Liệu doanh nghiệp CNTT có thích ứng với sự thay đổi này?
Ngành CNTT là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh, công nghệ liên tục thay đổi. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam, đặc biệt là cho các doanh nghiệp muốn triển khai các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ mới. Tuy nhiên, để một sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp thành công trên thị trường, ngoài những yếu tố kỹ thuật, còn cần nhiều yếu tố khác như vốn, mô hình kinh doanh, mạng lưới phân phối, logistics… Vì vậy, để thúc đẩy hình thành nhiều doanh nghiệp công nghệ thành công, chúng ta cần tạo ra các hệ sinh thái để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Nhân lực là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp CNTT, đặc biệt nếu muốn thành “Innovation Hub”, ông có thấy đây là vấn đề trở ngại?
Thiếu nguồn lực chất lượng cao là một bài toán muôn thuở của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam trong suốt thời gian qua. Nhưng gần đây, thông qua nhiều hoạt động truyền thông, ngành CNTT đã trở thành một trong những ngành có số điểm tuyển sinh cao nhất vào các trường đại học, tạo niềm tin nguồn nhân lực cho ngành CNTT trong vài năm tới. Mặt khác, các du học sinh trở về cũng sẽ là một lực lượng quan trọng đóng góp cho quá trình này. Một điểm thú vị là chúng ta đang ở cùng vạch xuất phát với nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh sự phát triển của các công nghệ mới (AI, blockchain, IoT…), nên cơ hội cho chúng ta rất lớn. Trong chuyến khảo sát gần đây của tôi tại Silicon Valley cho thấy, không chỉ chúng ta thiếu nhân lực giỏi, có trình độ hiểu biết sâu trong lĩnh vực công nghệ mới, mà thế giới cũng vậy. Nếu chúng ta có chính sách tốt, có hệ sinh thái tập trung hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thì trong vài năm, tôi tin rằng chúng ta sẽ bắt kịp xu hướng của thế giới.
Nhân lực CNTT cũng đã thay đổi. Theo xu hướng phát triển, các trường đại học cũng bắt đầu chủ động kết nối với các doanh nghiệp để gia tăng sự tương tác giữa doanh nghiệp - nhà trường, khác với trước đây doanh nghiệp phải đến trường học tuyển dụng nhân sự, tìm kiếm nhân tài. Vì vậy, nếu chúng ta làm tốt những vấn đề này, mục tiêu trở thành “Innovation Hub” có thể đạt được.
Từ “Software Development Hub” chuyển dịch sang “Innovation Hub”, rất cần sự thay đổi về cách nhìn, về hình ảnh mới của ngành phần mềm?
Thay đổi cách nhìn cũng như việc quảng bá hình ảnh Việt Nam “Innovation Hub”, có nhiều giải pháp nhưng chúng tôi đang tập trung vào một số nội dung sau: Hợp tác với các công ty tư vấn hàng đầu (KPMG, IDC, Gartner…) để cung cấp thông tin, dữ liệu, báo cáo chính thức về tiềm năng của ngành CNTT, công nghệ cao, công nghệ mới, nhân lực… cho các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc khi lựa chọn đầu tư tại Việt Nam; tập trung quảng bá, xúc tiến những sản phẩm, giải pháp của các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cạnh tranh toàn cầu ra các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản; tổ chức các chương trình, các sự kiện CNTT, công nghệ cao để mời bạn bè quốc tế đến Việt Nam tìm hiểu thông tin. Mong đợi nhất là “Hội nghị xuất khẩu dịch vụ CNTT Việt Nam - Việt Nam ITO Conference 2019” vào tháng 10 năm nay.
Cảm ơn ông!