Với quy mô hơn 2.300 doanh nghiệp (DN) kinh doanh lữ hành quốc tế, khoảng 8.000 DN kinh doanh lữ hành nội địa, thì quy định mới này hẳn có tác động rất lớn.
Từ những hành vi nhỏ gây bức xúc lâu nay như chèo kéo du khách, bán giá chặt chém, thiết kế tour không đúng lịch trình, sử dụng hướng dẫn viên không có chuyên môn nghiệp vụ, đến việc không mua bảo hiểm cho khách… đều được quy định, có mức xử lý rõ ràng với mức phạt tiền đối với mỗi hành vi rất cao, đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra cơ sở, cá nhân kinh doanh du lịch còn bị đình chỉ, rút giấy phép kinh doanh đến 24 tháng, bị rút chứng chỉ hành nghề.
Văn hóa và tình người cũng được luật hóa. Nếu ai phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch mà không thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng bị xử phạt. Các điểm tham quan du lịch mà không có bộ phận thông tin hỗ trợ khách hàng, không có bảo vệ trực 24/24 giờ, không có bộ phận cứu hộ, cứu nạn theo quy định cũng bị xử lý.
Cơ quan có thẩm quyền xử phạt cũng rộng khắp, từ chính quyền địa phương đến thanh tra du lịch, công an và các cơ quan chuyên ngành khác.
Trước đây, rải rác ở các văn bản cũng quy định những hành vi vi phạm, tuy nhiên việc xử lý chưa rõ ràng, thì nay Nghị định 45/2019 đã tổng hợp, quy định chi tiết và đầy đủ các vi phạm cần bị xử lý để bảo vệ an toàn du khách, cũng như bảo vệ thị trường du lịch Việt Nam lành mạnh.
Các quy định chặt chẽ này sẽ góp phần xây dựng lại hình ảnh về đất nước con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, cũng như tạo niềm tin về sự an toàn cho du khách khi đến Việt Nam. Nếu khách du lịch mong muốn được bảo vệ an toàn và phục vụ tốt nhất, thì hơn ai hết, các doanh nghiệp lữ hành chân chính cũng mong muốn cơ quan chức năng kịp thời xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm để tạo ra một thị trường du lịch công bằng, phát triển.