Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua nghiên cứu hiện trạng môi trường năm 2016 cho thấy, mức độ ô nhiễm nguồn nước, khí thải, chất thải rắn trên cả nước rất nghiêm trọng, nhất là tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… Riêng với TPHCM, đây là thành phố đang có các chỉ số ô nhiễm không khí, chất thải rắn và ô nhiễm nguồn nước cao. Trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận hơn 8.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, hơn 600 tấn chất thải nguy hại, hơn 1.500 tấn chất thải công nghiệp… Về chất lượng khí thải, TPHCM cũng thuộc tốp 10 thành phố có chất lượng khí thải ô nhiễm nhất thế giới…
Xuất phát từ thực tế đó, trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, TPHCM đã yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại và dịch vụ. Cùng với đó, tập trung nguồn lực phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để không phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường. Còn ở khâu thực hiện xanh hóa sản xuất, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường…
Đặc biệt, TPHCM sẽ tiến tới thiết lập nghiên cứu sản phẩm “Trái phiếu xanh” nhằm bổ sung công cụ tài chính cho các dự án, sản phẩm có tác động tốt với môi trường, xã hội; góp phần thúc đẩy nhanh các mục tiêu tăng trưởng của thành phố. Cùng với đó, sẽ nhân rộng việc áp dụng mô hình sản xuất sạch, phát triển thị trường sản phẩm sinh thái, tiếp tục thực hiện dán nhãn sinh thái, khai thác và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, đất, nước và đa dạng sinh học. Về phía các doanh nghiệp cũng được khuyến khích phát triển bền vững theo hướng đổi mới công nghệ sản xuất, gắn chiến lược kinh doanh với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Riêng xanh hóa đời sống và tiêu dùng bền vững là mục tiêu nhằm thay đổi thói quen của cộng đồng dân cư theo hướng có lợi hơn cho môi trường sống. Theo đó, những hoạt động thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh sẽ được thành phố đẩy mạnh. Cộng đồng được khuyến khích tiêu dùng và lựa chọn sản phẩm xanh; đồng thời, nâng cao nhận thức trong việc giảm thiểu phát sinh chất thải trong hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu dùng; tăng cường mảng xanh, sử dụng túi ni lông tự hủy và túi sử dụng nhiều lần thay cho túi ni lông thông thường; tăng cường sử dụng phương tiện công cộng…
Có thể thấy, mục tiêu hướng đến tăng trưởng xanh của TPHCM đã rất rõ. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng liên quan bắt tay cùng với cộng đồng để thực hiện những mục tiêu này nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường vốn đang diễn biến nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong cộng đồng.