Buổi tọa đàm tổ chức trong bối cảnh Hội đồng châu Âu vừa thông qua quy định sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản gồm cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ và đồ gỗ, gia súc, ca cao, cao su từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà quy trình sản xuất được thực hiện trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR).
Vườn cà phê trồng dưới rừng thông tại Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN |
Theo Cục Kiểm lâm, giai đoạn từ 2020 đến nay, tại Việt Nam, diện tích rừng tự nhiên giảm 3.166 ha do cháy rừng, phá rừng, khai thác trái phép, có một phần do người dân chuyển sang canh tác nông nghiệp và trồng các loại cây công nghiệp, trong đó có cà phê.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường hỗ trợ việc lập bản đồ chính xác, xác định rõ từng khu vực trồng cà phê, đây chính là những điều kiện giúp doanh nghiệp có cơ sở để thực hiện quy định của thị trường EU.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: ĐOÀN KIÊN |
Hiện nay, nhiều mặt hàng từ Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt 2,3 tỷ Euro, trong đó, cà phê (47,5%), gỗ (35,2%), cao su (17,1%).
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, phải hành động ngay việc sản xuất cà phê không gây mất rừng nhằm tránh thêm một “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu trên đất liền như đã từng xảy ra với mặt hàng thủy hải sản.
Quy định mới Hội đồng châu Âu yêu cầu các sản phẩm không được sản xuất từ việc phá rừng, phải hợp pháp theo luật của quốc gia sản xuất và sản phẩm phải có báo cáo thẩm định.
Thời gian bắt đầu áp dụng quy định::
- Đối với các tập đoàn lớn có sản xuất, chế biến những loại sản phẩm trên tại Việt Nam là từ tháng 12-2024;
- Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là từ tháng 6-2025.