Hướng đến nông nghiệp xanh, tuần hoàn

Ngày 26-5, trong khuôn khổ Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TPHCM năm 2023 đã diễn ra hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu, chủ đề “Nông sản Việt Nam vươn xa”. Các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu nông sản đều khẳng định: xây dựng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn là tất yếu để có thể đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.
Các doanh nghiệp đi xem đồ thủ công mỹ nghệ được triển lãm tại Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TPHCM 2023. Ảnh: Hoàng Hùng
Các doanh nghiệp đi xem đồ thủ công mỹ nghệ được triển lãm tại Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TPHCM 2023. Ảnh: Hoàng Hùng

Xây dựng thương hiệu - yếu tố sống còn

Theo Sở Công thương TPHCM, năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung của xuất khẩu, thì xuất khẩu nông sản cả nước nói chung và TPHCM vẫn là điểm sáng, đạt 53,53 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, trong đó có 7 nhóm ngành đạt trên 3 tỷ USD. Dự báo trong 5 năm tới (từ 2024-2028), nhu cầu trái cây Việt Nam của những thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc sẽ tăng 1-2%, riêng cà phê dự báo 4,8%. Người tiêu dùng thế giới ngày càng quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường, có lợi cho sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhu cầu tiêu dùng cao với rau quả, các loại hạt tốt cho sức khỏe, gỗ nội thất… dự báo sẽ tăng trưởng mạnh.

Tuy vậy, chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức là phát triển vùng trồng thiếu quy hoạch, tình trạng được mùa mất giá, sản phẩm nhiều nhưng không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt vẫn còn kém. Việc thiếu những thương hiệu nông sản quốc gia đang khiến cho nông sản Việt khó cạnh tranh được dù mẫu mã, chất lượng tốt. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty XNK Vina T&T Group, cho biết, dù đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu trái cây sang Mỹ, nhưng câu chuyện xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này là rất nhiều chông gai. Năm 2017, công ty đưa thương hiệu dừa Bến Tre lần đầu bước vào thị trường Mỹ, chia thị phần dừa với Thái Lan. Mấu chốt là những doanh nghiệp đi trước chạy theo giá thành, nên không xuất giống dừa đặc trưng Việt Nam mà xuất dừa lai để có giá rẻ, gây ấn tượng xấu với người tiêu dùng. Hay khi xuất khẩu gạo ST25, lô hàng còn chưa qua tới nơi thì truyền thông trong nước rộ lên nghi vấn gạo ST25 hiện sản xuất không đủ tiêu thụ trong nước, lấy đâu ra xuất khẩu…

Theo ông Tùng, để xây dựng được thương hiệu mạnh, yếu tố cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm. Ông chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị là xây dựng vùng trồng đủ lớn và xây dựng trạm sơ chế ngay tại vùng trồng, thay vì xây dựng nhà máy rồi đi thu mua sản phẩm ở các vùng trồng như nhiều doanh nghiệp vẫn làm. Nguyên nhân, khi vận chuyển sản phẩm thì phần hao hụt rất nhiều, chất lượng cũng không còn đảm bảo tươi ngon nhất. Đặc biệt, khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, công ty mở một văn phòng tại nước này để kịp thời xử lý những trường hợp một vài trái trong cả chuyến hàng bị hư hỏng, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp...

Chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định, đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) đặc biệt nhấn mạnh điều này với các doanh nghiệp xuất khẩu. Vị đại diện này cho rằng niềm tin về chất lượng sản phẩm một khi đã mất đi sẽ khó lòng lấy lại được.

Theo Sở Công thương TPHCM, ý thức được vai trò của mình trong việc đưa nông sản Việt vươn xa, những năm qua, TPHCM đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu, doanh nghiệp sản xuất và cơ chế chính sách, từ đó xây dựng được nhiều vùng trồng đạt chuẩn. Chương trình kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư giữa TPHCM với các địa phương có vùng nguyên liệu là đột phá đi đầu của TPHCM, tạo lợi ích hai chiều. Chuỗi cung ứng mạnh giúp TPHCM tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần xây dựng nền nông nghiệp chủ động, bền vững.

- Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu nông sản đạt 53,5 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.

- Đến nay, nông sản Việt Nam có mặt ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ.

- Tại TPHCM, giai đoạn 2016-2022, xuất khẩu nông sản đạt 33,4 tỷ USD, riêng năm 2022 đạt 5,5 tỷ USD. 3 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, gồm thủy sản 1,3 tỷ USD, gạo 1,17 tỷ USD, rau quả 1 tỷ USD.

Hỗ trợ doanh nghiệp “xanh hóa”

TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT), cho rằng, phải thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững. Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, trong đó các sản phẩm, phế - phụ phẩm sẽ được sử dụng, tái chế, làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến khác, hạn chế tối đa lượng chất thải.

TS Hạnh nhận định, phụ phẩm từ trồng trọt chiếm tỷ lệ lớn nhất và chỉ riêng ngành thủy sản, các phụ phẩm có thể được thu gom, sử dụng gần như toàn bộ. Bà Hạnh nêu một số mô hình kinh tế tuần hoàn như liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị: tôm sú - lúa, tôm sú - rừng ngập mặn… với giá trị kinh tế cao hơn 20-30% so với mô hình thông thường. Bà con tham gia các chương trình này có thu nhập tốt. Một số mô hình nông nghiệp xanh tiêu biểu như kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và trồng rau thủy canh, hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20%; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, phát triển cánh đồng mẫu, mô hình vườn - ao - chuồng hạn chế chất thải...

Đồng tình với những phân tích này, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu Tư, cho rằng, nói đến xuất khẩu xanh không thể không nhắc đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bởi đó là điều kiện để bán hàng trong bối cảnh hiện nay. Theo ông, Chính phủ đã có một số chính sách nhưng thực tế chưa có nhiều doanh nghiệp áp dụng được, vậy cần thêm những chính sách gì?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng làm nông nghiệp xanh phải chuẩn và cần có chính sách bảo vệ những người làm thật, làm đúng. Bởi những người làm thật phải đầu tư rất lớn. Với mỗi chứng nhận GlobalGAP, mỗi năm, doanh nghiệp tốn 10.000 USD để duy trì một mã, số tiền phải chi cho nhiều mã là rất lớn. Từ đó, giá thành sản phẩm không thể rẻ, không cạnh tranh được với những doanh nghiệp “làm chơi ăn thật”, chỉ cần dựng bảng organic là thoải mái bán hàng. Từ thực tế doanh nghiệp, ông Tùng cho rằng Việt Nam cần xây dựng tiêu chí và quy định rõ doanh nghiệp được ưu đãi vốn vay ra sao để chuyển đổi sản xuất xanh. Hiện doanh nghiệp tự làm, chưa có tiêu chí, ưu đãi cụ thể nên chưa hiệu quả như mong muốn.

TS HUỲNH KIM TƯỚC, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và công nghệ - Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham): Hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu qua “chợ online”

Kinh doanh online giờ đây không chỉ là kinh doanh nhỏ lẻ, nền kinh tế mới thực sự cần phát triển trên nền tảng online. Tới đây, chúng tôi sẽ cùng Sở Công thương TPHCM tập huấn cụ thể cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đi từng bước để có thể tham gia hiệu quả vào nền kinh tế mới này. Có 5 nhóm nội dung quan trọng: marketing, mở shop, thanh toán, giao hàng và đảm bảo chất lượng. Để phát triển bền vững, lâu dài thì chất lượng sản phẩm vẫn là quan trọng nhất. Nếu mua online mà khách hàng thấy sản phẩm thực tế không giống như rao bán, doanh nghiệp sẽ đánh mất niềm tin và khó lấy lại được. Chúng tôi có đơn vị kiểm định và cung cấp chứng nhận quốc tế, hiện có 2 phòng thí nghiệm ở Việt Nam, có thể hỗ trợ việc này.

Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM: Doanh nghiệp chủ động tìm giải pháp

Qua phân tích rất kỹ, chúng tôi thấy rằng chỉ khoảng 20% doanh nghiệp đã khai thác, tận dụng được ưu thế từ các hiệp định thương mại tự do, còn lại là không biết đến hoặc không biết cách khai thác. Trong khi đó, TPHCM có lợi thế lớn là trung tâm thương mại với các giao dịch sôi động, với hàng chục ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hàng ngàn văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, hàng chục hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Qua diễn đàn và hội chợ xuất khẩu lần này, với sự tham gia trao đổi của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp có thể chủ động tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho mình.

Ông PHẠM THỤY LUÂN, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận: Đầu tư cho chế biến

Hiện Bình Thuận có diện tích sầu riêng đang cho quả trên 2.300ha, phát triển được 8 mã vùng trồng để xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường. Đây là loại cây trồng rất khó, chúng tôi khuyến cáo bà con nên tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo chuỗi liên kết, đẩy mạnh cấp mã vùng trồng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác. Đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm sâu hơn chứ không chỉ xuất khẩu trái thô, tạo ra giá trị cao hơn cho loại trái cây này.

Tin cùng chuyên mục