Tại cuộc họp, các tập đoàn cơ bản thống nhất cam kết sẽ ứng dụng sản xuất sạch - xanh, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và tăng cường tái chế chất thải vào hoạt động kinh doanh, sản xuất của mình. Thực tế này đã mở ra cơ hội rất lớn cho thị trường tiêu dùng xanh trong tương lai gần.
Giảm áp lực tài nguyên
Phân tích về tính cần thiết phải thực hiện kinh tế tuần hoàn, ông Peter Bakker, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp phát triển bền vững thế giới (WBCSD), cho biết: “Nền kinh tế tuần hoàn là khái niệm mang tính cách mạng, thách thức toàn bộ thói quen truyền thống trong sản xuất và tiêu dùng. Mô hình này cho phép hệ thống kinh tế toàn cầu sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên thiên nhiên. Riêng với ASEAN, đây là khu vực gặp nhiều thách thức vì các nền kinh tế tại đây vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Khu vực này cũng là trung tâm sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. Thống kê của tổ chức Liên hiệp quốc cho thấy, đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên tăng gấp 3 lần so với hiện nay và khu vực có nhu cầu gia tăng nguồn tài nguyên cho hoạt động phát triển kinh tế là châu Á. Điều này sẽ vượt quá sức chịu đựng của thiên nhiên và dẫn tới nguy cơ sự thiếu hụt tài nguyên nghiêm trọng”.
Sản xuất dược phẩm trên dây chuyền công nghệ tiên tiến có lợi cho môi trường. Ảnh: CAO THĂNG
Ở góc độ môi trường, sự cạn kiệt tài nguyên cộng với sản xuất thiếu sự quan tâm đến môi trường đã đẩy cộng đồng thế giới nói chung và ASEAN nói riêng phải đối mặt với hàng loạt hệ quả đáng lo ngại như hạn hán, thiên tai, bão lũ…
Ông Peter Bakker cảnh báo thêm, nếu nhiệt độ thế giới tăng thêm 2 độ nữa thì trong vòng 10 năm tới, chúng ta không được thải ra bất kỳ gì. Trong 23 năm tiếp theo phải thực hiện rất nhiều giải pháp để giảm phát thải và tái chế, nếu không muốn đối diện với tình trạng thời tiết cực đoan nguy hiểm hơn hiện tại.
Theo các chuyên gia kinh tế, ứng dụng kinh tế tuần hoàn là giải pháp khả thi nhất nhằm giảm nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và những yếu tố tác động gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn sẽ hướng đến sử dụng tối đa giá trị của các nguồn tài nguyên và nâng cao hiệu quả quản lý chất thải.
Qua đó, sản phẩm sau khi được tiêu thụ, nguyên liệu thô, sản phẩm hết hạn và năng lượng sẽ được tái sử dụng và tái chế thông qua các quy trình phù hợp như tái xử lý nguyên liệu, tái thiết kế, tái tạo giá trị, tái cải tiến sản phẩm và tái sử dụng thông qua mối quan hệ hợp tác với các đơn vị kinh doanh khác nhau.
Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể giảm thiểu việc sử dụng nguồn tài nguyên mới, tận dụng tối đa tiềm năng của các nguồn tài nguyên và vật liệu cũ, giảm thiểu chất thải nhờ tái chế và sản xuất các sản phẩm chất lượng có độ bền cao. Quy trình này tạo thêm giá trị và tính bền vững cho môi trường, cộng đồng, xã hội cũng như hoạt động kinh doanh.
Kinh tế xanh
Không dừng lại đó, theo tính toán từ các chuyên gia môi trường, nếu các quốc gia ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên. Ứng dụng này sẽ giúp giảm chi phí điều hành doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD vào năm 2030.
Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn cũng giúp giảm lượng khí thải carbon, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới theo đúng Thỏa thuận Paris và những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tham dự hội nghị cho rằng, trở ngại lớn nhất của việc thực hiện kinh tế tuần hoàn chính là lợi nhuận và quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần phải ứng dụng công nghệ hiện đại và tiêu tốn khoản chi phí sản xuất cao hơn chi phí hiện tại. Nguồn nguyên liệu sản xuất phải ưu tiên nguyên liệu tái chế. Quan trọng hơn, xu hướng tiêu dùng của cộng đồng thế giới vẫn chưa thực sự ưu tiên cho sản phẩm thân thiện với môi trường.
Để nhân rộng và quảng bá khái niệm kinh tế tuần hoàn này trong cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ các nước cần bắt đầu xây dựng ý thức từ cộng đồng dân cư, tổ chức cá nhân trong xã hội.
Riêng với doanh nghiệp, cần thay đổi nhận thức của đội ngũ quản lý và nhân viên. Khuyến khích những sáng tạo mới nhằm thay thế các sản phẩm và vật liệu thô hiện có bằng các giải pháp hiệu quả cao hơn, nhưng sử dụng ít nguyên liệu hơn hoặc thân thiện với môi trường hơn.
Tăng cường tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng thay vì sử dụng các nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tất cả các quy trình tái chế. Đặc biệt, thúc đẩy việc xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh.
“Không chỉ tập trung vào sản xuất xanh mà cần thiết phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Đồng thời, tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận, nhận diện sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa. Từ đó xây dựng chính sách tài chính, kích cầu để khuyến khích người tiêu dùng thực hiện tiêu dùng xanh”, đại diện Tập đoàn DOW (Thái Lan) nhấn mạnh.