Hướng đến mục tiêu xuất khẩu trái cây đạt 3,6 tỷ USD vào năm 2020
Ngày 15-3, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam”. Có gần 200 đại biểu thuộc các Bộ ngành, các địa phương từ Đà Nẵng đến Cà Mau và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu… tham dự.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả của cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Quảng cảnh hội nghị
Sản xuất và xuất khẩu thanh long là thế mạnh của vùng ĐBSCL
Hiện nay, diện tích cây ăn quả khu vực phía Nam ước đạt 596.331 ha (chiếm 60% diện tích cả nước), tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn (chiếm khoảng 67% sản lượng quả cả nước, tăng trên 61% so năm 2010).
Hiện nay, khu vực phía Nam có 14 loại quả có diện tích lớn, trên 10.000 ha/loại. Cụ thể: xoài 80.000 ha, chuối 78.000 ha, thanh long 53.000 ha, cam 44.000 ha, bưởi 44.000 ha, nhãn 35.000 ha, sầu riêng 47.000 ha, dứa 33.000 ha, chanh 27.000 ha… Trong số này, ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả chủ lực, chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả ở phía Nam; còn vùng Đông Nam bộ chiếm 17%; vùng Duyên hải Nam Trung bộ 15% và vùng Tây Nguyên 10%. Năm 2018, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng trên 47,3% so năm 2017; trong đó ước tính các sản phẩm từ quả chiếm trên 80% tổng giá trị. Các loại quả xuất khẩu chủ yếu là thanh long (chiếm 1,1 tỷ USD); kế đó là chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, măng cụt, sầu riêng. Năm 2018, hàng rau quả của Việt Nam xuất sang 55 thị trường trên thế giới; trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 73,1% thị phần, còn lại là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Úc…
Cũng theo Cục Trồng trọt, sản xuất cây ăn quả nước ta nói chung và ở phía Nam nói riêng đang đứng trước khá nhiều thách thức, cần tháo gỡ để phát triển bền vững. Hạn chế lớn nhất hiện nay là khâu tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là về xuất khẩu. Thiếu mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, do quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, khó khăn cho đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp thì chưa quan tâm nhiều trong việc liên kết sản xuất với hợp tác xã. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu như khô hạn, xâm nhập mặn, tình hình bệnh vàng lá Greening trên cam, quýt, chổi rồng hại nhãn, đốm trắng thanh long… và việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học gây ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ vườn cây, năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm…
Bộ NN-PTNT cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu quả trên 3,6 tỷ USD, việc tổ chức lại sản xuất là vấn đề cấp bách; trong đó chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn. Mỗi tỉnh, thành phố nên chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Tuyên truyền vận động nông dân liên kết với nhau tổ chức sản xuất, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng vùng trồng tập trung chuyên canh. Đặc biệt là các hợp tác xã kiểu mới với vai trò liên kết sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kết nối các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm.