Để tái chế, tái sử dụng hiệu quả rác và để rác thực sự trở thành tài nguyên, TPHCM phải làm gì? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị HĐND TPHCM - người trực tiếp tham gia nhiều buổi khảo sát về hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác của thành phố. Ông Trương Trung Kiên cũng là đại biểu đã nêu ý kiến nên xem rác là tài nguyên, nguồn nguyên liệu cho nhiều hoạt động sản xuất khác tại kỳ họp bất thường về môi trường của HĐND TPHCM vừa qua.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, để rác là tài nguyên, TPHCM phải bắt đầu làm từ khâu nào?
Ông TRƯƠNG TRUNG KIÊN: TPHCM nên bắt đầu từ khâu nghiên cứu khả năng, đánh giá nhu cầu sử dụng rác tái chế, để từ đó đưa ra kế hoạch xử lý rác như thế nào cho hợp lý. Đây là quá trình phải được tính toán một cách đồng bộ trên cơ sở đánh giá khả năng thực thi của mình. Phải đặt ra được mục tiêu rõ ràng, để từ đó có kế hoạch từng bước thực thi cho tới khi đạt được mục đích. Ví dụ, có thể bắt đầu bằng việc xem xét các thành phần của rác. Rác sinh hoạt ở TPHCM chủ yếu là rác thực phẩm. Rác thực phẩm có thể được tái chế thành phân compost và ủ để khai thác khí, loại khí này có thể đốt để phát điện. TPHCM đang lo lắng lượng rác thải sẽ tăng mạnh theo đà tăng của dân số và việc xử lý rác sẽ là gánh nặng cho ngân sách thành phố. Thế nhưng nếu rác được dùng để làm ra điện thì lượng rác có tăng lên sẽ là điều kiện tốt hơn để thành phố làm ra điện từ rác…
TPHCM đã triển khai chương trình phân loại rác từ nguồn để tái chế, tái sử dụng rác hiệu quả hơn. Hay như có đại biểu HĐND TP đã phát biểu trong cuộc họp bất thường về môi trường của HĐND TPHCM vừa qua, TP có khoảng 2.000 cơ sở mua bán ve chai và nhiều người đi nhặt ve chai cũng đã góp phần phân loại rác… Thế nhưng, chi phí xử lý rác thải vẫn là gánh nặng cho ngân sách thành phố. Rác vẫn chưa là tài nguyên…
Việc thu gom ve chai, thực ra mới là cách phân loại rác tự phát. Và người thu gom ve chai chủ yếu mua một số rác như giấy, nhựa, sắt, thép… và chưa được phân loại hoàn toàn. TPHCM mới triển khai phân loại rác tại nguồn ở một số địa phương nên rác vẫn chưa thực sự là tài nguyên, phục vụ trở lại cho việc phát triển kinh tế của thành phố. Trong khi muốn trở thành tài nguyên, rác phải được phân loại hoàn toàn. Căn cứ vào nhu cầu tái chế và tái sử dụng, TPHCM sẽ phải đưa ra tiêu chí cụ thể cho việc phân loại rác. Nhiều nước trên thế giới phân ra tới 6-10 loại rác dựa vào mục tiêu tái chế, tái sử dụng của họ. Rác càng được phân loại tốt, chi phí tái chế rác càng rẻ, sản phẩm từ rác tái chế sẽ có giá thành hấp dẫn hơn.
TPHCM đã triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn từ nhiều năm nay và cũng đã tổ chức nhiều ngày hội tái chế, tái sử dụng rác thải để tuyên truyền vận động người dân phân loại rác tại nguồn… Như vậy, TPHCM đã có đủ điều kiện triển khai rộng rãi việc phân loại rác tại nguồn, để tái chế, tái sử dụng rác hiệu quả hơn?
Thành phố đã có kế hoạch đến năm 2020, đảm bảo đạt tỷ lệ rác được phân loại 50% tổng lượng rác và duy trì vào các năm tiếp theo. Đồng thời, giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải từ 76% xuống còn 50%. Tỷ lệ này tiếp tục giảm còn 25% vào năm 2025. Song song đó, có chính sách trợ giá cho các sản phẩm tái chế để khuyến chủ đầu tư thay đổi công nghệ xử lý rác.
Xin cảm ơn ông!