Hướng đến môi trường sống xanh

Từ 191 đề án, công trình, giải pháp, đề tài đăng ký tham gia Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3, các chuyên gia hội đồng 7 lĩnh vực đã họp, đánh giá và đề xuất 59 hồ sơ vào vòng trong. Trong đó, có nhiều công trình, giải pháp tính sáng tạo cao đã ứng dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách trong xây dựng và phát triển TPHCM.

Giải pháp tiết kiệm điện cho máy lạnh

Máy lạnh là sản phẩm thiết yếu gần như có mặt khắp nơi trong cuộc sống, đặc biệt không thể thiếu trong những tháng ngày thời tiết nóng như hiện nay. Chính điều này đã khiến tiền điện của nhiều gia đình tăng chóng mặt, cũng như dẫn đến tình trạng thiếu điện trầm trọng. Dự báo được những tình huống cho tương lai, gần 2 năm trước, nhóm tác giả đến từ Công ty CP BenKon đã cho ra đời sản phẩm giúp người dùng máy lạnh giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng.

Theo ông Trương Minh Đạt, Giám đốc điều hành (CEO) BenKon, ứng dụng BenKon SmartAir hoạt động như một thiết bị điều khiển thông minh cho máy lạnh thông qua app (ứng dụng trên điện thoại) hoặc quét mã QR. Người dùng có thể điều khiển nhiều máy lạnh từ xa bằng điện thoại.

Ông Đạt chia sẻ, thiết bị là một giải pháp về công nghệ nên đòi hỏi thời gian phát triển, xây dựng nguyên mẫu thử nghiệm. Nhóm của ông đã mất gần 2 năm để xây dựng sản phẩm. Và khi đưa sản phẩm ra thị trường, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận được ngay với người dùng. Thế nhưng, khi khách hàng sử dụng sản phẩm cho thấy hiệu quả mang lại rất rõ. Nhiều doanh nghiệp giảm được khá nhiều lượng điện tiêu thụ và bắt đầu cảm nhận về sản phẩm công nghệ thân thiện với môi trường.

Thực tế, thiết bị BenKon SmartAir nhỏ gọn được gắn trực tiếp vào máy lạnh và cài sẵn chế độ để quản lý giờ hoạt động, chế độ hoạt động của máy lạnh cho các cửa hàng theo thời gian quy định. Điều này không chỉ giúp tăng tuổi thọ máy mà còn giúp nhân viên tiết kiệm thời gian thay vì đến bật/tắt từng máy lạnh. Ngoài ra, với lịch trình thông minh, nhiệt độ được điều chỉnh có thể tự động bật vào sáng sớm và tắt, giảm nhiệt độ trước khi nhân viên ra về. Nhờ vậy, có thể giúp tiết kiệm 20%-50% tiền điện và tiết kiệm thời gian làm việc của nhân viên.

Ngoài ra, sản phẩm cung cấp cho người quản lý công cụ để giám sát, can thiệp thiết bị từ xa, cũng như bức tranh tổng quát về tình hình sử dụng điện của đơn vị, đưa ra cảnh báo nếu máy lạnh hoạt động vượt quá công suất hoặc đến hạn bảo trì. Với những tính năng vượt trội, BenKon SmartAir đã nhận được nhiều giải thưởng cao như vô địch Startup Wheels 2022, Top 20 Startup Viet, chứng nhận đào tạo của Google For Startup.

Hướng đi mới cho vật liệu xây dựng

Kiên trì và luôn sáng tạo là những gì chúng tôi nhìn thấy ở doanh nghiệp khởi nghiệp - Công ty cổ phần Graphene Life với công trình “Graphenel: Tiên phong sản xuất và nghiên cứu ứng dụng vật liệu Graphene tại Việt Nam” vừa được đề cử vào vòng chung kết Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3-2023.

Đại diện Công ty cổ phần Graphene Life giới thiệu máy kiểm tra độ dẻo của vật liệu graphene tại Hàn Quốc

Đại diện Công ty cổ phần Graphene Life giới thiệu máy kiểm tra độ dẻo của vật liệu graphene tại Hàn Quốc

Theo ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Graphene Life, sau khi vật liệu graphene (carbon siêu mỏng, cứng, nhẹ, dẫn điện gấp 10 lần đồng và có độ cứng gấp 200 lần thép) được công bố, trên thế giới mới bắt đầu tập trung nghiên cứu mạnh mẽ về loại vật liệu trên. Ông Tuấn đã lập nhóm gồm những người trẻ đam mê nghiên cứu để bắt tay vào nghiên cứu graphene.

“Chúng tôi mất gần 7 năm theo đuổi nghiên cứu với mục tiêu cung cấp cho thị trường Việt Nam một vật liệu đáp ứng được xu thế của thời đại”, ông Lê Minh Tuấn chia sẻ về mục tiêu của mình.

Trong suốt quá trình nghiên cứu, nhóm của ông Lê Minh Tuấn đã nhận thấy những hạn chế của xu hướng thế giới đang khai thác, chủ yếu là dùng nguyên liệu than chì, có chi phí cao, nếu ứng dụng vào phát triển công nghiệp thì chưa thân thiện với môi trường. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của ông Lê Minh Tuấn đã kiên trì tìm một nguồn nguyên liệu khác thay thế là mỡ động vật tinh chế, chỉ sử dụng muối và nước, giá thành giảm 100 lần và thân thiện với môi trường.

Năm 2018, vật liệu graphene đã được ứng dụng vào thực tế và năm 2019, Công ty cổ phần Graphene Life đã gọi vốn thành công từ các tập đoàn lớn để tăng năng lực kinh doanh cũng như đầu tư thiết bị máy móc, sẵn sàng mở rộng quy mô và phục vụ các thị trường vật liệu mới.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần Graphene Life đã phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng sản xuất vật liệu xây dựng (phụ gia graphene cho bê tông/gạch không nung) với quy mô triển khai năm đầu tiên là 1.500 tấn phụ gia graphene (tương đương với 100.000 tấn bê tông/năm).

Ứng dụng của graphene:

* Năng lượng: Graphene có khả năng tạo ra pin mặt trời, pin nhiên liệu và pin lithium-ion hiệu quả hơn. Nó có thể tăng độ bền và hiệu suất của các thiết bị năng lượng tái tạo.

* Điện tử: Graphene có khả năng tạo ra các vi mạch điện tử, máy tính và các thiết bị khác có kích thước nhỏ hơn, tốc độ nhanh hơn, tiêu thụ năng lượng ít hơn.

* Vật liệu tổng hợp: Graphene có khả năng tăng độ bền và cứng của các vật liệu khác, giúp tăng độ bền và tuổi thọ của chúng.

* Y tế: Graphene có khả năng tạo ra các sản phẩm y tế, bao gồm các cảm biến, thiết bị chẩn đoán y tế và các vật liệu tiên tiến cho phẫu thuật.

* Môi trường: Graphene có thể được sử dụng để sản xuất các sản phẩm sinh học phân hủy, giảm thiểu rác thải và khí thải trong quá trình sản xuất.

Tin cùng chuyên mục