Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tình trạng ùn tắc, kiềm chế tai nạn giao thông và đã có những chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương đã giảm.
Trong những năm vừa qua, VN đã huy động nguồn lực đầu tư nên bộ mặt hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có những đổi mới nhất định và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội các vùng miền và cả nước, trong đó phải kể đến các công trình lớn, hiện đại như các tuyến đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển... Hiện tại đã đưa vào khai thác 831 km đường bộ cao tốc, các cảng hàng không có năng lực thông qua đạt 75 triệu khách/năm, tổng công suất cảng biển đạt khoảng 500 triệu tấn/năm...
Tuy nhiên, lĩnh vực GTVT ở VN cũng như một số nước đang phát triển trong khu vực đang gặp nhiều thách thức trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và công tác đảm bảo an toàn giao thông. Công tác đảm bảo an toàn giao thông cũng còn nhiều thách thức, khó khăn, diễn biến tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông vẫn còn phức tạp. Đặc biệt, công tác thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông chưa đồng bộ, gây phát sinh nhu cầu đi lại lớn hơn năng lực hạ tầng giao thông, tạo ra những điểm ùn tắc giao thông mới và tiềm ẩn mất ATGT trong tương lai; công tác quản lý kết cấu hạ tầng, đường ngang vẫn còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa các bên còn chưa chặt chẽ, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông vẫn còn nhiều phức tạp; công tác kiểm soát tải trọng phương tiện chưa đạt kết quả như mong muốn; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế; chưa kiểm soát được sự gia tăng của phương tiện cá nhân; các đô thị lớn, mạng lưới vận tải hành khách công cộng đã phát triển, song năng lực vận chuyển còn hạn chế…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông mong muốn và đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia GTVT Việt Nam tích cực tăng cường nghiên cứu, hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp trong khu vực Đông Á và trên thế giới, để có được những đề xuất phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển GTVT đã đề ra cũng như giải quyết được những tồn tại, bức xúc đang đặt ra trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông hiện nay.
Trên cơ sở các ý kiến, các bài tham luận tại hội nghị này, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, nghiên cứu để đề xuất các giải pháp thực hiện đảm bảo khả thi và có hiệu quả đối với ngành GTVT của VN.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho rằng, TPHCM sẽ không thể trở thành “đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” nếu như không có hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải hoàn thiện, thông suốt và an toàn. Trong suốt quá trình phát triển kinh tế, TPHCM đã phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường từ các hoạt động giao thộng vận tải, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, thời gian qua, TP đã không ngừng cải tạo, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo trật tự an tọàn giao thông ở mức độ cao nhất có thể.
Đồng chí Lê Thanh Liêm đánh giá cao việc UBATGT Quốc gia chủ trì tô chức hội nghi có trọng tâm về an toàn giao thông và phát triển bền vững hệ thống giao thông sẽ là dịp để TPHCM trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, để từ đó tìm ra những giải pháp có giá trị ứng dụng thực tiễn cao, cùng nỗ lực trong “việc đẩy lùi tai nạn giao thông, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc mà TPHCM nói riêng và các đô thị Việt Nam nói chung đang phải đối mặt. Về phía TP, trong thời gian qua, các sở, ngành liên quan của TP phối hợp chặt chẽ với UBATGT Quốc gia xây dựng các chương trình chuyên đề, tập trung vào 4 vấn đề như quản lý nhu cầu giao thông cá nhân; phát triên hệ thông giao thông minh ITS; giải pháp nâng cao an toàn giao thông đường bộ và đổi mới phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Đây là các chủ đề được chọn lựa chi tiết, phù hợp với nhu cầu thực tế của TP, rất cần sự tư vấn, chia sẻ các kinh nghiệm từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước tại hội này, để từ đó ngành giao thông vận tải của TPHCM quyết tâm xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, xanh và tích hợp.
Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm mong muốn hội nghị lần này sẽ là một trong những động lực cho hành trình họp tác mới, hiệu quả hơn, thực chất hơn giữa Việt Nam, TPHCM và bạn bè quốc tế trong việc chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu- đó là tai nạn và ùn tắc giao thông.
Trong suốt hội nghị, các đại biểu sẽ có các phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề: kinh nghiệm quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, hạ tầng và tổ chức giao thông; phương tiện giao thông; người tham gia giao thông; ứng dụng giao thông thông minh; phát triển GTVT bền vững; ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao ATGT đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; phát triển giao thông vận tải bền vững; ứng phó sau tai nạn giao thông…
Hội nghị tiếp tục diễn ra đến hết ngày 20-9.