Hiếm có một tỉnh thành nào hội tụ đầy đủ các yếu tố như có sông, biển, núi, suối nước nóng và cả hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt để phát triển DL như Bà Rịa - Vũng Tàu. Thế nhưng, trong nhiều năm, do phụ thuộc khá nhiều vào nguồn thu từ dầu khí nên ngành DL ít được quan tâm đầu tư và tụt lại so với các tỉnh bạn như Nha Trang, Đà Nẵng. Đến năm 2016, khi giá dầu giảm sâu, lúc này DL mới nhận được sự quan tâm nhiều hơn và được đưa vào là 1 trong 5 mũi nhọn kinh tế của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Trong tháng 9-2018, UBND tỉnh bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển DL chất lượng cao đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng (trong đó, vốn ngoài ngân sách chiếm 93%). Phấn đấu đến 2025, ngành DL sẽ đón được 8,6 triệu lượt khách có lưu trú, trong đó khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt và doanh thu khoảng 31.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, sẽ đón khoảng 17 triệu lượt khách lưu trú, trong đó khách quốc tế là 4 triệu lượt và doanh thu là gần 102.000 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với tổng thu ngân sách của toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2010.
Để thực hiện quy hoạch đã đề ra, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm DL nghỉ dưỡng biển, đảo; sản phẩm DL chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe; sản phẩm DL gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí tại ven biển TP Vũng Tàu như: lướt ván, thuyền buồm, câu lạc bộ diều, cờ quốc tế để phục vụ du khách. Đối với huyện Xuyên Mộc, sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm DL đẳng cấp quốc tế, phát triển các loại hình DL liên quan đến suối khoáng nóng tại xã Bình Châu, phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí như sân golf, casino, vui chơi có thưởng. Riêng với Côn Đảo, ngoài việc phát huy những kết quả của DL tâm linh, tỉnh sẽ đầu tư phát triển DL trải nghiệm gắn với khám phá thiên nhiên, DL mạo hiểm và DL sinh thái tại các đảo. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng chiến lược phát triển DL hội nghị hội thảo, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp DL, tăng cường công tác xúc tiến hội nghị. Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao để phục vụ khách quốc tế...
Về định hướng thị trường khách quốc tế, ngoài thị trường truyền thống như các nước Đông Âu, tỉnh sẽ chú trọng vào khách Nga và các nước SNG, Tây Âu, Bắc Mỹ… mở rộng ra các thị trường có số lượng khách tăng như Ấn Độ, Trung Đông. Tập trung khai thác mạnh thị trường châu Á, trong đó chú trọng tới những thị trường có tiềm năng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singarore. Với khách nội địa, tập trung khai thác khách DL là dân cư, cán bộ nhân viên từ các trung tâm DL, đô thị trong vùng TPHCM - Biên Hòa - Thủ Dầu Một, trong đó chú trọng các công nhân viên tại các khu công nghiệp.