Hướng nghiệp học sinh theo học hệ 9+
Một trong những giải pháp thiết thực được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là trường nghề) trên địa bàn TPHCM đặc biệt chú trọng là công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh ngay khi các em chuẩn bị tốt nghiệp THCS theo học hệ 9+ (học sinh được đào tạo song song chương trình văn hóa THPT và trung cấp nghề); tập trung tuyển sinh các nhóm ngành nghề trọng điểm của thành phố.
Cụ thể, các trường Trung cấp kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, Trung cấp Bách khoa TPHCM, Trung cấp Nguyễn Tất Thành, Trung cấp Quốc tế Khôi Việt, Cao đẳng Kinh tế TPHCM, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Cao đẳng Việt Mỹ… đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm 2024 với số lượng chỉ tiêu cho chương trình 9+ bằng hoặc cao hơn những năm trước từ 10%-40%.
Bên cạnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở vật chất, chính sách học bổng cũng được các trường nghề quan tâm.
Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật quận 12 đã đưa cơ sở 2 tại phường Hiệp Thành có diện tích hơn 17.000m2 vào sử dụng, gồm các phòng lý thuyết, các xưởng thực hành hiện đại cùng với các dịch vụ tiện ích khác cho người học như khu ký túc xá, thư viện, phòng tập luyện thể dục thể thao…, với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển 1.900 chỉ tiêu (tăng 20%), trong đó dành 70%-80% chỉ tiêu cho hệ 9+ cho các nghề sửa chữa ô tô; công nghệ kỹ thuật cơ khí; điện công nghiệp và dân dụng; quản lý và bán hàng siêu thị…
Tương tự, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn dành 35% (tương ứng 600 chỉ tiêu)/2.000 chỉ tiêu tuyển sinh để mời gọi các em học sinh học hệ 9+. “Đối với học sinh giỏi và bộ đội xuất ngũ đăng ký sớm, nhà trường dành 200 suất miễn phí 100% học bổng. Tùy theo các nhóm ngành đào tạo, nhà trường miễn giảm từ 30-50 triệu đồng học phí/3 năm cho người học. Bên cạnh đó, nhà trường còn hỗ trợ vay vốn, cấp học bổng theo học kỳ cho học sinh khá, đảm bảo tỷ lệ việc làm đạt 90%-100% sau khi tốt nghiệp”, ThS Dương Công Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Kết thúc mùa tuyển sinh 2023, riêng hệ 9+, Trường Cao đẳng Viễn Đông (TPHCM) tuyển được trên 1.200 chỉ tiêu, tập trung ở các khối ngành: Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Công nghệ ô tô, Điều dưỡng và Chăm sóc sắc đẹp… Học sinh chủ yếu đến từ các huyện Hóc Môn, Củ Chi và một số em ở tỉnh Tây Ninh, tỉnh Bình Dương.
TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Lợi ích thiết thực từ chương trình 9+ là người học tiết kiệm được thời gian học, đồng nghĩa với tiết kiệm chi phí. Sau 2,5 năm học chương trình 9+, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT (hệ giáo dục thường xuyên), vừa có bằng trung cấp nghề. Sau đó có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học (từ 1-1,5 năm). Trong quá trình học liên thông, các em có thể đi làm để có tiền trang trải cho việc học và chi phí sinh hoạt”.
Gắn với đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế
UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch số 381/KH-UBND về thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn thành phố năm 2024, trong đó đặt mục tiêu cho ngành LĐTB-XH TPHCM phải tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, gắn kết chặt chẽ với Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế; cụ thể ở 8 nhóm ngành nghề trọng điểm: Công nghệ thông tin - Truyền thông; Cơ khí - Tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị... Phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo có chứng chỉ, chứng nhận đạt 87%...
“Ngoài tạo các điều kiện thuận lợi trong phạm vi của mình, Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu cho thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, tạo quỹ đất sạch… Các trường cần đẩy mạnh thiết lập các cơ chế phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong từng nhóm ngành để kịp thời đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, xã hội”, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu Chương trình nâng cao chất lượng GDNN trên địa bàn thành phố năm 2024, TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, đề xuất thành phố cần có chế độ, chính sách phù hợp hơn trong xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm số lượng, đồng bộ cơ cấu và chất lượng kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời khuyến khích, nâng cao vai trò, trách nhiệm và uy tín của các hiệp hội nghề nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu mà thành phố đề ra.
TS PHẠM VŨ QUỐC BÌNH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN:
Phát huy thế mạnh của Hội đồng Hiệu trưởng GDNN
Trong năm 2024, Tổng cục GDNN đặt mục tiêu toàn hệ thống tuyển sinh đạt 2,43 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp là 530.000 người; sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,9 triệu người; tốt nghiệp các trình độ đào tạo là trên 2,1 triệu người.
Để đạt được mục tiêu này, TPHCM và Hà Nội là 2 địa phương cần phát huy lợi thế riêng có trong đào tạo nghề. Đặc biệt, để đáp ứng Kế hoạch 381/KH-UBND, TPHCM cần đẩy nhanh hơn nữa công tác rà soát, quy hoạch lại hệ thống mạng lưới cơ sở GDNN; quyết liệt giải thể hoặc sáp nhập các trường yếu kém, có định hướng cụ thể để các trường phát huy thế mạnh riêng, tránh đào tạo trùng lắp ngành nghề, chạy theo thị hiếu…
Bên cạnh đó, TPHCM cần phát huy hiệu quả, lợi thế của Hội đồng Hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố nhằm đúc kết, tham mưu cho UBND TPHCM về quy hoạch, sắp xếp lại các trường nghề theo Chỉ thị 21 của Ban Bí thư và Kế hoạch 267 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.
Cùng với đó, để giúp các cơ sở GDNN trên cả nước phát triển ổn định, trong năm 2024, Tổng cục GDNN sẽ rà soát, đánh giá lại Luật GDNN hiện hành; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GDNN và phát triển kỹ năng nghề; nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực đào tạo nghề…
ThS VÕ THỊ MỸ VÂN, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch - Khách sạn Saigontourist:
Đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch bài bản hơn
Theo thống kê của Sở Du lịch TPHCM, hiện thành phố có trên 1.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 759 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 160 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Về số lượng hướng dẫn viên, có trên 7.200 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ, trong đó hướng dẫn viên quốc tế chiếm gần 47%, còn lại là nội địa.
Còn theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TPHCM, từ nay đến năm 2030, TPHCM cần khoảng 73.000 lao động trong ngành du lịch (hướng dẫn viên, bếp, phòng…), cao nhất là nhóm ngành dịch vụ (cần từ 38.000-42.000 lao động). Trong khi đó, số trường đào tạo chỉ đáp ứng được gần 60% nhu cầu.
Một hạn chế khác là sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo du lịch chưa đạt hiệu quả cao, dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực du lịch thành phố chưa hợp lý giữa các loại hình, các nghề, khiến mất cân đối trong đào tạo giữa chuyên ngành khách sạn và lữ hành.
Để tháo gỡ, thành phố cần tiếp tục tạo điều kiện mở rộng các chương trình liên kết quốc tế về đào tạo nhân lực để các nhà giáo trong ngành được học hỏi kinh nghiệm. Thành phố nên có chế độ hỗ trợ cơ sở đào tạo và doanh nghiệp gắn kết phối hợp đào tạo, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển ngành du lịch hậu Covid-19.
AN KHÁNH