Ngày 1-10-2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP (hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi). Hướng dẫn này sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 5-11-2019.
Theo đó, các hành vi hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi bị xác định là “các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục”, tức là một hành vi bị xem là cấu thành tội phạm dâm ô. Tương tự, hành vi dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm (như đùi, mông…) của người phạm tội hoặc của người khác cũng coi là dâm ô.
Nghị quyết trên cũng quy định các trường hợp không coi là phạm tội. Theo đó, không xử lý hình sự đối với các trường hợp người chăm sóc, giáo dục, người khám chữa bệnh bắt buộc tiếp xúc thân thể trẻ em (như cha mẹ tắm rửa cho con dưới 10 tuổi, cô giáo mầm non vệ sinh cho học sinh, bác sĩ khám bệnh) khi các hành vi đó không có tính chất tình dục.
Nghị quyết cũng quy định áp dụng xử lý nghiêm khắc đối với tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt đối với người dưới 13 tuổi. Đồng thời có các quy định về việc cách ly bị hại với người phạm tội: không bắt buộc người bị hại có mặt tại tòa; sử dụng sơ đồ, mô hình để hỏi, hay không đối chất; không yêu cầu người bị hại tường thuật chi tiết (để bảo vệ tâm lý, tinh thần của người bị hại dưới 18 tuổi. Đây là các quy định tiến bộ, mang tính nhân văn.
Với Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP, từ nay đã có thể dựa vào luật pháp với các tình tiết, định nghĩa rõ ràng để bảo vệ trẻ em và xử lý thích đáng các trường hợp xâm hại trẻ em.