Theo đó, các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất để xây dựng thêm trường học, phòng học đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Những địa phương có tỷ lệ học sinh học
2 buổi/ngày thấp (dưới 50%) cần có giải pháp tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ít nhất 5% so với năm học trước, ưu tiên bố trí học sinh lớp 6 được học 2 buổi/ngày.
Song song đó, trường học cần kiểm tra, rà soát thực trạng thiết bị dạy học hiện có để lập kế hoạch sửa chữa, thay thế các dụng cụ, thiết bị hư hỏng, mua sắm bổ sung những thiết bị dạy học cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ dạy và học theo chương trình mới.
Ngoài ra, phòng GD-ĐT được giao nhiệm vụ hướng dẫn cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục và kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng để người học không gặp khó khăn khi tiếp cận các đầu sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác nhau.
Trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng và kế hoạch giáo dục của tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục và kế hoạch bài dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Đặc biệt, nhà trường phải có thông báo (bằng văn bản trên bảng tin và trên trang thông tin điện tử của đơn vị) danh mục sách giáo khoa để học sinh lớp 2 và lớp 6 mua, sử dụng trong năm học 2021-2022. Trường học đảm bảo trang bị đầy đủ các đầu sách giáo khoa cho thư viện trường học theo danh mục phê duyệt của Bộ GD-ĐT.
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng linh hoạt các thiết bị dạy học, vận dụng kết hợp dạy học trực tiếp và dạy học qua Internet để mở rộng không gian tổ chức học tập cho học sinh, tăng cường trao đổi thông tin để phụ huynh học sinh nắm được yêu cầu đổi mới và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả CT GDPT 2018.