Cụ thể, cho phép DN vận chuyển hàng hóa đang lưu giữ tại cảng Cát Lái đến cảng biển khác trên địa bàn TPHCM cũng như các cảng cạn ICD, với điều kiện: hàng hóa không thuộc danh mục hàng nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập; hàng hóa chưa đăng ký tờ khai nhập khẩu; hàng hóa không có dấu hiệu nghi vấn, vi phạm trong diện các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra theo thông báo của cơ quan hải quan; vận chuyển toàn bộ lô hàng, thuộc cùng một vận tải đơn, cùng một chủ hàng, về cùng một địa điểm lưu giữ hàng hóa.
Các hàng hóa này bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu của các DN tại Đồng Nai được vận chuyển về ICD Tân cảng Long Bình hoặc ICD Tân cảng Nhơn Trạch; hàng hóa nhập khẩu của các DN tại Bình Dương được vận chuyển về ICD Tân cảng Sóng Thần; hàng hóa từ các tỉnh miền Tây vận chuyển về cảng Tân cảng Hiệp Phước. Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn và các DN quản lý địa điểm có hàng hóa vận chuyển đến chịu trách nhiệm giám sát, báo cáo tình hình hàng hóa (vào, ra, tồn đọng…) cho chi cục hải quan quản lý địa điểm nắm thông tin, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp hàng hóa bị nhập lậu đưa vào nội địa, không làm thủ tục hải quan. Sau khi hàng hóa vận chuyển đến các địa điểm lưu giữ, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn chịu trách nhiệm thông báo về vị trí lưu giữ hàng hóa cho hãng tàu, đại lý hãng tàu, chủ hàng biết để liên hệ thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa.
Đối với việc lưu giữ, giám sát hàng tồn đọng, Cục Hải quan TPHCM cho phép Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn vận chuyển hàng hóa tồn đọng đã hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, định giá từ cảng Cát Lái về lưu giữ tại cảng Tân cảng Hiệp Phước. Cục Hải quan TPHCM lập danh sách, báo cáo phương án xử lý hàng hóa tồn đọng về Tổng cục Hải quan trước khi xử lý các lô hàng tồn đọng chuyển từ cảng Cát Lái đến cảng Tân cảng Hiệp Phước…