Thí điểm tại Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè
Tại chương trình, nhiều ý kiến cử tri và đại biểu đặt vấn đề khó khăn hiện nay là người dân không thể xây dựng các công trình phụ trợ như nhà lưới, nhà màng… trên đất nông nghiệp. Trong khi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tiến lên sản xuất lớn rất cần những công trình này.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng cho hay, nhà màng, nhà lưới phải đầu tư vốn lớn, nhưng pháp lý không rõ ràng nên nông dân không yên tâm đầu tư.
Ông Nguyễn Trung Quốc, người nuôi tôm tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ cho biết đang muốn chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao, nhưng để làm được cần phải có các công trình phụ trợ.
Trả lời các ý kiến, ông Dư Huy Quang, Trưởng Phòng Quản lý đất - Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết quy định của Luật Đất đai cho phép xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất như nhà kính, nhà lưới nhà màng trên “đất nông nghiệp khác”. Nhưng quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc.
Cụ thể, nguyên tắc của Luật đất đai là phải sử dụng đất đúng quy hoạch và đúng loại đất. Trong khi thực tế hiện nay, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng thì khó khăn, chủ yếu do quy hoạch. Nhìn nhận thực tế này, ông Quang cho biết UBND TP đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành thực hiện thí điểm tại ba huyện Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Nhóm 1 là các hạng mục chủ đầu tư được thực hiện nhưng phải thông báo qua UBND xã. Trong đó sử dụng vật liệu lắp ghép dễ tháo dỡ, nhằm tạo màng tạo lưới, tạo môi trường thuận lợi cho cây trồng vật nuôi trên đất nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Chòi canh nhà vườn thì sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường như cây gỗ, tranh tre nứa lá, diện tích không quá 15m2, không thuộc “tiêu chí 3 cứng” mà Bộ Xây dựng hướng dẫn (nền cứng, khung cứng, mái cứng).
Nhóm 2 là các công trình phải được UBND xã thông qua phương án sản xuất nông nghiệp. Công trình này quy mô cấp 4, đáp ứng 3 tiêu chí là 1 tầng cao, diện tích không quá 1.000m2, chiều cao không quá 6m. Chủ đầu tư sẽ đề xuất vị trí và diện tích trên tổng mặt bằng, kèm phương án sản xuất, trình UBND huyện thông qua.
Theo đại diện Sở Xây dựng, sau khi được UBND TP thông qua, thực hiện thí điểm ở 3 huyện khoảng 3-6 tháng, Sở sẽ có sơ kết đánh giá, đề xuất nhân rộng mô hình này.
TPHCM - trung tâm giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao
Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao cho biết, định hướng của TP là phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học.
Riêng các doanh nghiệp của Khu đã cung cấp cho thị trường hơn 400 tấn hạt giống và hơn 70.000 túi giống nấm, hơn 2,8 triệu bịch phôi nấm, các loại cây rau gối đầu… Cá cảnh cũng là một sản phẩm chủ lực tiềm năng. Tới đây, Khu Nông nghiệp công nghệ cao sẽ lập thêm các khu thủy sản ở Cần Giờ, khu chăn nuôi ở Củ Chi…
Ông Đinh Minh Hiệp cho biết thêm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao đã tham mưu UBND TP dự thảo chương trình về giống cây trồng, vật nuôi và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để trình Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI. Khi chương trình được thông qua sẽ tạo động lực rất mạnh để hỗ trợ người nông dân và HTX ứng dụng công nghệ cao và tập trung vào khâu sản xuất giống cây trồng vật nuôi.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM Dương Đức Trọng cũng cho hay, TPHCM sẽ phát triển thêm 2-3 khu nông nghiệp công nghệ cao. TP đặt mục tiêu nông nghiệp tạo ra giá trị 900 triệu đồng/ha/năm, đưa thu nhập của người dân nông thôn lên 100 triệu đồng/người/năm (hiện nay hơn 60 triệu đồng).
Về đề xuất phát triển nông nghiệp trên đất dự án, quy hoạch chậm triển khai, ông Dương Đức Trọng cho biết sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc hướng dẫn thực hiện.
Chuyển đổi từ mía, lúa sang trồng mai, nuôi tôm… Ông Dương Đức Trọng cho biết, sau gần 10 năm thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại TPHCM ngày càng tăng. Thu nhập bình quân của nông dân đã tăng từ 25 triệu đồng/người/năm năm 2011 lên 63 triệu đồng/người/năm vào năm 2019. Hiện TP có 130 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động. Dẫn chứng cụ thể, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng cho biết, vùng trồng mai vàng xã Bình Lợi nổi tiếng hiện nay rộng 470 ha, được chuyển đổi từ vùng trồng mía kém hiệu quả trước đây. Ở Bình Chánh cũng có 550 ha rau sạch của các HTX Phước An, Phước Bình… Sản phẩm chủ lực của Bình Chánh hiện nay là hoa lan, cá cảnh, nhất là cá chép Nhật xuất khẩu. Tại Nhà Bè, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Tùng cho biết, trước năm 2010, ngành nông nghiệp của huyện chủ yếu trồng lúa. Nhưng đến nay đã cơ cấu lại, hiện có 268 hộ nuôi tôm, với diện tích 379ha trong tổng số 400ha đất nông nghiệp của huyện. Huyện Nhà Bè khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất từ 2010 tới nay là 41 tỷ đồng. Ông Hoàng Tùng nêu kiến nghị, trong các khu vực phát triển khu công nghiệp, cần thiết phải dành ra một quỹ đất hợp lý để phát triển nông nghiệp đô thị, tạo điểm nhấn đồng thời cải thiện môi trường, cảnh quan khu công nghiệp. Theo ông, thực tế cho thấy một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế không kém gì công nghiệp. |