Theo đó, văn bản quy định rõ tổ, nhóm chuyên môn trong nhà trường phổ thông căn cứ vào mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục, sách giáo khoa, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, các hoạt động giáo dục và đề xuất của giáo viên để lựa chọn, đề xuất danh mục xuất bản phẩm tham khảo tối thiểu liên quan đến môn học, lớp học và hoạt động giáo dục.
Định kỳ vào đầu năm học, thủ trưởng cơ sở giáo dục thành lập hội đồng để xem xét, lựa chọn, đề xuất danh mục xuất bản phẩm tham khảo trên cơ sở đề xuất của các tổ, nhóm chuyên môn. Hội đồng lựa chọn gồm tối thiểu các thành phần là lãnh đạo cơ sở giáo dục phụ trách chuyên môn, tổ/nhóm trưởng chuyên môn và viên chức phụ trách thư viện trong cơ sở giáo dục.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục quyết định phê duyệt danh mục xuất bản phẩm tham khảo tối thiểu để có kế hoạch mua sắm và sử dụng hàng năm trong cơ sở giáo dục trên cơ sở đề xuất của hội đồng lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo, cân đối nguồn kinh phí, quy mô của cơ sở giáo dục, số lượng và chất lượng xuất bản phẩm tham khảo đã có tại trường mình.
Sở GD-ĐT TP lưu ý giáo viên có thể sử dụng xuất bản phẩm tham khảo để hỗ trợ thiết kế bài dạy, thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, đồng thời phục vụ các mục tiêu nghiên cứu khoa học.
Riêng đối với học sinh có thể sử dụng xuất bản phẩm tham khảo để củng cố, mở rộng và nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chuẩn chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt hỗ trợ việc tự học, tự đánh giá bản thân và nghiên cứu khoa học.
Trường hợp giáo viên, học sinh khi sử dụng xuất bản phẩm tham khảo nếu gặp tình huống có cách hiểu khác nhau về một nội dung nào đó giữa sách tham khảo và sách giáo khoa thì phải lấy sách giáo khoa làm căn cứ để giảng dạy và học tập.
Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm về danh mục xuất bản phẩm tham khảo lưu hành trong đơn vị mình. Phòng GD-ĐT quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn về việc sử dụng xuất bản phẩm tham khảo.
Ngoài ra, trường học có nhiệm vụ xây dựng, củng cố thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xuất bản phẩm tham khảo của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, tuyệt đối không được lưu hành, sử dụng xuất bản phẩm có nội dung không lành mạnh, có biểu hiện vi phạm pháp luật hoặc nội dung không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông.
Giáo viên có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, nhận định và đề xuất đúng, khách quan, tin cậy cho cơ sở giáo dục để lựa chọn được những xuất bản phẩm tham khảo có chất lượng và sử dụng có hiệu quả trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, kịp thời phản ảnh với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về những xuất bản phẩm tham khảo không đúng quy định.
Đặc biệt, giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, sách giáo khoa xuất hiện trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học.
Giáo viên và cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về danh mục xuất bản phẩm tham khảo mà cơ sở giáo dục đã lựa chọn cho học sinh, học viên và cha mẹ học sinh, học viên, tuyệt đối không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
Các đơn vị trường học có thể lựa chọn sách tham khảo theo danh sách đã được Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP thẩm định hoặc cho phép sử dụng để dạy học và giáo dục học sinh. Trường hợp phát hiện xuất bản phẩm tham khảo có sai sót ảnh hưởng đến dạy học và giáo dục, có nội dung không lành mạnh hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý cấp trên để có biện pháp xử lý, thông báo đến các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.