Nhiều giá trị cần khai thác
Theo các chuyên gia công nghệ, blockchain có giá trị nằm ở khả năng quản trị dữ liệu một cách toàn vẹn, minh bạch và có độ tin cậy cao. Khả năng quản trị dữ liệu này được xem là yếu tố quan trọng trong nghiên cứu thí điểm và triển khai mô hình chính phủ điện tử tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó phải kể đến tính minh bạch.
Cụ thể, cơ sở dữ liệu blockchain có thể được sử dụng để lưu trữ và bảo vệ hồ sơ mà không ai có thể thao túng hoặc che giấu thông tin; có thể phân phối quá trình xác minh và lưu trữ dữ liệu cho nhiều bên, nhờ đó phân cấp quyền lực một cách hiệu quả. Ngoài ra, các blockchain phân quyền có thể cung cấp quyền truy cập vĩnh viễn vào các hồ sơ mà các quan chức thực thi pháp luật và tổ chức giám sát có thể cần sử dụng để phát hiện ra những vụ việc tham nhũng hoặc lạm quyền.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định, blockchain được ứng dụng rất phong phú và đa dạng. Điển hình là quản lý định danh của người dân, cung cấp cho công dân cơ hội nhận dạng tự chủ. Qua đó, công dân có quyền kiểm soát chi tiết đối với quyền truy cập vào nhận dạng (ID) của họ, những thông tin chứa trong đó có thể xác minh ngay lập tức.
Thông tin đã được ghi nhận trên blockchain là bất biến, không ai có thể thao túng hay che giấu. Cùng với đó, hiện các nền tảng blockchain phổ biến được ứng dụng với mục đích chủ yếu xoay quanh việc quản lý tiền và các tài sản mã hóa.
Các chuyên gia cho rằng, blockchain được coi là một trong những công nghệ của tương lai, sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội. Đơn giản nhất có thể thấy, nếu ứng dụng blockchain, người dân có thể công chứng online, thay vì đến văn phòng công chứng hay cơ quan nhà nước. Blockchain với dữ liệu được xác thực, cán bộ tiếp nhận hồ sơ chỉ cần một đoạn mã truy xuất thông tin kiểm chứng các giấy tờ. Họ có thể tự ra quyết định việc công chứng, không cần trình cấp khác, giảm tối đa thời gian xử lý.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, công nghệ blockchain có thể giải được bài toán về thông tin trên dữ liệu lớn với tính xác thực, từ đó tiết giảm nhiều chi phí về thời gian, công sức, tiền bạc... Đơn cử như trong lĩnh vực công chứng giấy tờ, với cách làm truyền thống, người dân và cán bộ nhà nước khá vất vả, đặc biệt là ở thành phố lớn hay những khu vực đông dân, có nhu cầu làm thủ tục hành chính nhiều. Phía người đi công chứng tốn thời gian đi lại, chờ đợi, cán bộ phải bỏ công sức kiểm tra, xác thực nhiều bước… Trong khi ứng dụng blockchain giúp công việc này đơn giản, tiết kiệm hơn.
Từng bước ứng dụng
Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng, để phát triển các nền tảng phục vụ cho chuyển đổi số cần ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu và có khả năng bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain)… Từ đó tạo ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị cao.
“Hiện, TP Đà Nẵng đã bắt đầu tiếp cận nền tảng và thí điểm các ứng dụng công nghệ blockchain để đưa vào trong quản lý tài sản số, phát triển kinh tế số, qua đó khai phá thêm những tiềm năng to lớn của blockchain và bước đầu thí điểm đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, điêu khắc đá Ngũ Hành Sơn, sản phẩm OCOP...”, ông Trần Ngọc Thạch chia sẻ.
Hiện, Sở TT-TT TP Đà Nẵng đã phối hợp với Hội Tin học Việt Nam và các chuyên gia triển khai xây dựng nền tảng DaNangChain trong quản lý tài sản số, gia tăng giá trị cho các sản phẩm của Đà Nẵng. Việc Đà Nẵng đầu tư nền tảng DanangChain sẽ phục vụ cho phát triển thành phố thông minh, tài chính số và nền tảng cho chính phủ điện tử...
Không chỉ TP Đà Nẵng từng bước ứng dụng blockchain, mà công nghệ này còn được các đơn vị ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục với việc truy vấn, phát hiện bằng giả.
Theo TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC, blockchain đã được ứng dụng và triển khai để xác thực bằng đại học trực tuyến tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Hà Nội. Trước đây, mỗi tháng, nhà trường nhận hơn 1.200 yêu cầu từ doanh nghiệp gửi đến nhờ xác thực bằng cấp. Trong khi đó, trường chỉ có hai nhân viên giáo vụ thực hiện truy vấn thông tin thủ công, mất nhiều công sức, thời gian.
Với blockchain, nhóm chuyên gia đã xây dựng hệ thống kiểm tra văn bằng trên website, các dữ liệu về văn bằng tốt nghiệp của sinh viên được số hóa và xác thực bằng chữ ký số cung cấp bởi Ban Cơ yếu Chính phủ. Nhân viên chỉ cần vào website nhập mã sinh viên, số hiệu bằng là có thể truy xuất nhanh chóng.
“Trước đây, dữ liệu blockchain không được xác thực bằng chữ ký số nên chưa có tính pháp lý. Với thay đổi này, chúng tôi đã giải quyết vấn đề về pháp lý giúp dữ liệu có tính minh bạch”, TS Đặng Minh Tuấn nhấn mạnh.
* Ông LÊ THANH MINH, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM:
Thúc đẩy nhanh chính phủ điện tử
Nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng công nghệ blockchain trong công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy nhanh quá trình chính phủ điện tử. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, TPHCM luôn có những chính sách ưu tiên, nhất là ứng dụng công nghệ blockchain để phát triển đô thị thông minh hay các hoạt động chuyển đổi số của thành phố.
Do đó, Sở KH-CN đã đặt hàng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học xây dựng các nền tảng, ứng dụng blockchain trong quản lý nhà nước để giải quyết nhiều bài toán về kinh tế - xã hội của thành phố.
* Ông MAI DUY QUANG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA):
Đóng vai trò quan trọng trong ứng dụng công nghệ
Việc ứng dụng blockchain hiện khá đa dạng nhưng đa số chỉ mới trong giai đoạn thử nghiệm. Không phải “cây đũa thần”, tuy nhiên blockchain sẽ có nhiều tác động, là một thành phần quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực, ngành nghề.
Như riêng ở lĩnh vực chữ ký số, ứng dụng blockchain góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo khi gửi các tài liệu trực tuyến, đặc biệt chống các phương thức lừa đảo qua email… Tùy ngành nghề, tùy tác vụ mà blockchain có thể được ứng dụng vào các công đoạn khác nhau và bảo đảm tính khách quan khi không thể có can thiệp từ bên thứ ba. Đây là giá trị lớn mà công nghệ blockchain mang lại.
* TS MAI VĂN BẢY, Giảng viên Trường Đại học Đà Nẵng:
Minh bạch trong quản lý tài sản số
Một trong những đặc tính quan trọng của blockchain là minh bạch, rõ ràng. Công nghệ chuỗi khối - blockchain với những đặc trưng về tính an toàn, bảo mật và thuận tiện trong kết nối trên môi trường số đang ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực chuyển đổi số.
Vài năm trở lại đây, công nghệ blockchain phát triển rất nhanh đã xây dựng được những nền tảng mới cho phép mọi người mua bán, trao đổi hàng hóa. Vì vậy, việc thúc đẩy ứng dụng của công nghệ blockchain trong quản lý tài sản số sẽ giúp tăng tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro, từ đó tạo ra sự tin cậy cho việc giao dịch và quản lý tài sản.
* TS DAVID (DUC) TRẦN, Giáo sư ngành Khoa học Máy tính, Đại học Massachusetts (Boston, Mỹ):
Công nghệ cho các giải pháp chuyển đổi số
Dự kiến vào năm 2030, blockchain sẽ tạo ra 40 triệu việc làm, 10% - 20% cơ sở hạ tầng kinh tế toàn cầu sẽ chạy theo các hệ thống công nghệ blockchain. Có thể ứng dụng blockchain từ những bước đơn giản như xác thực ID điện tử, giải quyết hồ sơ đất đai, hồ sơ doanh nghiệp… nên blockchain là một trong những công nghệ cao để thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, tạo ra nhiều việc làm, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.
Công nghệ blockchain được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH-CN cũng đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, trong đó công nghệ blockchain xếp thứ 2 sau trí tuệ nhân tạo trong loạt các công nghệ chủ chốt.