2 tỷ phú còn lại đã có trong danh sách trước đó là ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Vietjet). Là Phó Chủ tịch HĐQT một công ty nhiều năm đưa ra bảng xếp hạng doanh nghiệp về tăng trưởng, lợi nhuận - Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), ông Phùng Hoàng Cơ, nhận xét:
Với một quốc gia đang có tốc độ phát triển khá nhanh như Việt Nam thì sự góp mặt của 2 tỷ phú USD chuyên về sản xuất như ông Long và ông Dương là điều tích cực. Sự xuất hiện của 2 nhân vật mới trong xếp hạng cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ giàu ở những lĩnh vực mà có những chuyên gia từng ví von là “dễ” như bất động sản mà còn giàu ở những ngành sản xuất - vốn được coi là “khó”.
Nói như vậy không phải để cho rằng những tỷ phú liên quan đến ngành nghề kinh doanh bất động sản không quan trọng mà ý tôi chỉ muốn nói rằng tỷ phú VND hay USD đều tốt (miễn là làm giàu chính đáng) nhưng nếu so với tỷ phú, giàu từ sản xuất thì mức độ đóng góp cho nền kinh tế rất lớn, tạo được sự lan tỏa nhiều. Sự xuất hiện của các tỷ phú tư nhân trong xếp hạng của Tạp chí Forbes nói riêng hay sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân nói chung mang lại những ý nghĩa lớn, đặc biệt khi Đảng, Nhà nước coi kinh tế tư nhân là khu vực nòng cốt, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội.
* Phóng viên: Từng nhiều năm nghiên cứu, đánh giá, công bố các bảng xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế, ông đánh giá ra sao về sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gần đây?
- Ông PHÙNG HOÀNG CƠ: Trong tất cả các bảng xếp hạng mà chúng tôi nghiên cứu, đánh giá như: doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất, doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất,… trong khoảng 10 năm qua, vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng quan trọng. Doanh nghiệp tư nhân xuất hiện nhiều hơn trong các bảng xếp hạng và ngày càng “lấn lướt” về tỷ lệ so với doanh nghiệp nhà nước, kể cả doanh nghiệp mà nhà nước nắm 100% vốn lẫn chiếm tỷ lệ 49% trở lên.
Trong công bố doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất năm 2017, nhóm 10 doanh nghiệp đứng đầu có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát xếp lần lượt ở vị trí thứ 4, 7 và 10 bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hay trong Bảng xếp hạng VNR500 - Tốp 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2017, tiếp tục ghi nhận sự trỗi dậy lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân. Nếu như năm 2007 - năm đầu tiên công bố bảng xếp hạng VNR500, khi đó doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong toàn bảng thì đến nay, sau hơn 10 năm, khối doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên gần gấp 2,5 lần, chiếm khoảng 50% số doanh nghiệp trong bảng xếp hạng. Về mặt doanh thu, khu vực kinh tế nhà nước vẫn là khu vực đem đến tổng doanh thu lớn nhất, tuy nhiên, đóng góp doanh thu của khối doanh nghiệp nhà nước đã xuống còn 52%, giảm đi so với con số 59% trong năm 2016, đồng thời đóng góp của khu vực tư nhân nâng lên từ 27% (năm 2016) lên 32,3% trong năm 2017.
* Vietnam Report có nhiều năm nghiên cứu về doanh nghiệp, ông nghĩ sao về việc thương hiệu mất về tay nước ngoài, hay nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể lớn lên?
- Doanh nghiệp hay thương hiệu doanh nghiệp, với người lập ra, nó được coi như là con đẻ vậy. Đầu tư công sức, xây dựng, phát triển và định vị được mình nhưng sau lại phải bán đi thì rõ ràng cần phải nghiên cứu về hiện tượng đó. Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng, có thể tinh thần kinh doanh của họ đã giảm đi vì những rào cản cơ chế khiến họ mệt mỏi, buông tay. Nếu đúng, điều này đòi hỏi nhà nước cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư để họ yên tâm đầu tư, phát triển. Nếu không có những rào cản về cơ chế, chính sách, tôi tin hiếm ông chủ nào lại bán thương hiệu của mình đi cả.
* Vậy theo ông, hiện nay, doanh nghiệp nói chung, tư nhân nói riêng đang đối mặt với những khó khăn gì trong quá trình phát triển?
- Một khảo sát trong lần công bố bảng xếp hạng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam gần đây cho thấy, giải pháp được các doanh nghiệp cho rằng cần được ưu tiên hàng đầu của năm 2018 là cải thiện môi trường pháp lý nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Những năm trước, thứ tự ưu tiên mà doanh nghiệp mong muốn là điều chỉnh giảm thuế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt ở thời điểm hiện tại, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiến tới mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng nhanh đi kèm với phát triển bền vững.
* Những khó khăn, rào cản khác mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là gì nữa, thưa ông?
- Một khảo sát được thực hiện khi công bố xếp hạng lớn nhất Việt Nam năm 2017 được chúng tôi công bố gần đây, khi được hỏi những doanh nghiệp lớn nhận định về những rào cản đối với quá trình phát triển, các doanh nghiệp tiếp tục khẳng định việc đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm đầu tư - kinh doanh trực tiếp của nhà nước. Đó là những sự hỗ trợ không thể thiếu giúp doanh nghiệp phát triển trong năm 2018. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phản hồi mong muốn Chính phủ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, đánh giá năng lực cán bộ; kết hợp với cắt giảm đầu tư công; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty lớn trong thời gian tới.
* Xin cảm ơn ông!