Ông Lộc dành 10 năm tuổi trẻ để làm các dụng cụ trồng rau này, nhưng làm đi làm lại vẫn không được thị trường đón nhận. Tính bỏ cuộc tới nơi thì một cơ duyên đã đưa nhóm ông tới gặp được bà Lê Thị Bé Ba. Và ý tưởng của ông được cứu.
“Bà đỡ” những ý tưởng khởi nghiệp
Sau khi xem xét, trái với sự chán nản của nhóm ông Lộc bởi nhiều lần thất bại, là khuôn mặt sáng rỡ của bà Lê Thị Bé Ba, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM.
Bà nhìn ra, đây sẽ là mô hình ăn khách nếu được cải tiến vài chi tiết nhỏ. Từ đó, ông Lộc được nhận gói hỗ trợ 1,2 tỷ đồng để tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, quảng bá sản phẩm. Đến nay, công ty của ông đã ăn nên làm ra, với hơn 1.000 khách hàng trên cả nước.
Đây chỉ là một trong những công ty được ươm mầm thành công từ trung tâm nơi bà Bé Ba đang công tác. Đỡ đầu, ươm mầm doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp từ khi trứng nước, bà Bé Ba hiểu rằng, để khởi nghiệp thành công là không dễ dàng. Khởi nghiệp bằng con đường nông nghiệp công nghệ cao lại càng gian nan. Thế nên, bà trân trọng từng ý tưởng khởi nghiệp của các DN trẻ, quyết không để một ý tưởng sáng tạo nào phải chết uổng. Trung tâm cho mượn đất, mượn phòng thí nghiệm, hỗ trợ, kêu gọi vốn cho các DN này đầu tư phát triển.
Với tầm nhìn của một “bà đỡ” chuyên nghiệp, bà còn có sáng kiến về quản trị tài sản trí tuệ cho trung tâm ươm tạo và các DN tham gia ươm tạo tại trung tâm - một vấn đề mà ít DN “chồi non” nào nghĩ tới. Rồi bà còn nêu sáng kiến thành lập Câu lạc bộ Ươm tạo Doanh nghiệp TPHCM, với ước vọng hình thành một cộng đồng các cơ sở ươm tạo DN tại khu vực phía Nam.
Nói về công tác ươm tạo, người phụ nữ duy nhất được trao giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay, cười bảo, 10 năm trước ai cũng “ươm tạo” là… ươm cây. “Nhưng giờ đây, các bạn trẻ khi có ý tưởng khởi nghiệp đã tìm đến chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là không để những ý tưởng hay, cách làm sáng tạo bị lụi tàn, mà phải ươm tạo nó thành một chồi xông chắc khỏe”, bà Bé Ba khẳng định chắc nịch.
Không giống như bà Bé Ba “ươm mầm doanh nghiệp”, thạc sĩ Lê Văn Cửa là người ươm mầm cây xanh thực sự. Sinh ra ở miệt sông nước miền Tây, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lê Văn Cửa luôn trăn trở cách giúp nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp tay chân truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao. Chuyển giao được cho nông dân 4 quy trình kỹ thuật về trồng lan Mokara, dưa lưới, cà chua bi, ớt cay, ông Cửa lâng lâng vui sướng khi đã giúp nông dân tăng năng suất, tăng thu nhập, đạt 1,1 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Từ những sáng kiến ấy, nhiều nông dân, DN đã đỡ nhọc nhằn, đã giàu lên từ phương thức canh tác mới. Giống như bà Bé Ba, thạc sĩ Lê Văn Cửa cũng coi thành công của người khác là niềm hạnh phúc của mình.
Thôi thúc sáng tạo
Ngày đưa hệ thống đẩy hàng vào container vận hành thành công, ông Nguyễn Khánh Hưng, Giám đốc Nhà máy xưởng 6, cụm Nhà máy An Hạ, Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh) vui mừng như tết. Nhờ sáng kiến của ông, thời gian đẩy hàng vào container giảm từ 30 - 40 phút xuống 2 - 3 phút. Công nhân chỉ cần một người đứng máy, số thép để làm khung hàng cũng giảm đi đáng kể. “Nhìn giản đơn như vậy, nhưng tiết kiệm cho công ty hơn 2 tỷ đồng mỗi năm”, một lãnh đạo Công ty Đại Dũng cho biết.
Là nhân viên kỹ thuật thuộc Phòng Khoa học và Công nghệ, Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất, công việc chính của Nguyễn Hoàng Tấn là bảo trì máy móc tại xưởng sản xuất. Ở công ty, Tấn không phải là người đầu tiên nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng. Những người đi trước đầy kinh nghiệm, luôn hỗ trợ để biến những “ý tưởng nhỏ” của các bạn trẻ như Tấn, thành những cải tiến lớn, mang lại hiệu quả cao.
Sức mạnh của sự chú tâm, quan sát trong công việc quả là không hề nhỏ. Quan sát và nhìn ra những điểm chưa hợp lý, khắc phục, nâng cấp máy móc có lẽ cũng là một yêu cầu quan trọng với người thợ giỏi. Ở Nhà máy ABS - Chi nhánh Công ty cổ phần Tico, ông Nguyễn Minh Nhựt cũng nhờ khả năng quan sát và sự chú tâm mà tìm ra cách giúp công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng từ tiết kiệm điện, giảm phát sinh chất thải...
Sự tâm huyết của ông kỹ sư công nghệ hóa học và thực phẩm trẻ tuổi còn thể hiện trong những cải tiến quy trình sản xuất mà ông liên tiếp nghiên cứu đề xuất. Trong đó, đáng chú ý là giải pháp không làm phát sinh bán thành phẩm trong quá trình chuyển đổi sản xuất sản phẩm trung hòa Sodium Lauryl Ether Sulfate (SLES - một hoạt chất có tính tẩy rửa); nhờ vậy không chỉ giảm chi phí cho nhà máy mà còn tăng năng suất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm so với thị trường.
Thực tế sản xuất và trách nhiệm người thợ đã thôi thúc họ có những sáng kiến làm lợi cho đơn vị mình hàng tỷ đồng mỗi năm. Điều đáng quý là những hạt nhân sáng tạo này đều là những người ươm mầm tâm huyết, tận tình đào tạo, nâng cao tay nghề cho hàng chục, hàng trăm lao động khác. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để xét giải thưởng Tôn Đức Thắng hàng năm.
Tưới tự động, tiết kiệm 6,5 triệu m3 nước/năm Từ yêu cầu tiết kiệm nguồn nước, nâng cao hiệu quả sử dụng, cấp nước an toàn trên địa bàn huyện Củ Chi nói riêng và TPHCM nói chung, ông Lê Trường Thọ, Trưởng phòng Thủy nông (Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ Thủy lợi TPHCM) đã có nhiều sáng kiến nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước. Trong đó, sáng kiến “Ứng dụng công nghệ tưới tự động và phân phối nước hiệu quả - khu tưới kênh Đông Củ Chi” giúp đơn vị tiết kiệm được khoảng 6,5 triệu m3 nước kênh Đông mỗi năm. Ông Lê Trường Thọ giới thiệu mô hình phân phối nước. Ảnh: THU HƯỜNG Lượng nước tiết kiệm được, một phần được chuyển sang cung cấp cho nhà máy nước kênh Đông để xử lý thành nước sạch, giúp tiết kiệm hơn 2,7 tỷ đồng. Cách làm này còn đảm bảo khai thác tổng hợp nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, trong đó cấp nước sinh hoạt cho TP với sản lượng 300.000m3/ngày; đảm bảo cấp nước đầy đủ, kịp thời, ổn định cho 14.500ha đất nông nghiệp ở huyện. |