Theo đó, sau 3 năm triển khai (từ tháng 5-2019), ứng dụng Hue-S thực sự đã phát huy vai trò và đạt được một số kết quả rất tích cực. Hue-S vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân doanh nghiệp vừa ứng dụng Chính quyền số phục vụ công tác chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Mức độ hài lòng của người dân ngày càng cao
Ông Bùi Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) Thừa Thiên - Huế cho biết, sau 3 năm triển khai, đến nay Hue-S đã có 793.050 lượt tải ứng dụng, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh. Tính riêng năm 2021, đã có 17.371.225 lượt truy cập. Hue-S cũng đã thu hút hơn 10 tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức tham gia tích hợp vào hệ thống.
Đến nay đã tiếp nhận xử lý trên 58.000 phản ánh với 226 đơn vị tham gia hệ thống xử lý phản ánh hiện trường bao gồm 193 cơ quan nhà nước và 33 tổ chức, doanh nghiệp. Số phản ánh đã được xử lý chiếm 97,5% với tỷ lệ 51,1% đúng hạn, 48,9% trễ hạn có lý do xin gia hạn hợp lý; 77,7% hài lòng và chấp nhận, 22,3% không hài lòng. Thời gian xử lý các phản ánh của người dân rút ngắn từ 60 đến 70%, có những vụ việc rút ngắn đến 90%, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước hơn 7,7 tỷ đồng tiền in giấy.
Kết hợp giải pháp trí tuệ nhân tạo áp dụng vào giám sát camera, Hue-S đã ghi nhận và tiếp nhận 13.068 trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt trên 2,5 tỷ đồng. Hue-S đã phối hợp hỗ trợ công an truy vết hơn 485 vụ án có biểu hiện yếu tố hình sự.
Đồng hành với phong trào Ngày chủ nhật xanh do tỉnh phát động, các hoạt động được lan tỏa thông qua Hue-S đã được chuyển tải đến người dân và toàn xã hội. Qua đó, đã phát hiện và tiếp nhận hơn 4.000 phản ánh vi phạm liên quan đến môi trường với mức xử phạt 394.200.000 đồng, qua đó đã có tác động điều chỉnh hành vi và ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Với vị trí địa lý là tỉnh thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, bão lụt, đặc biệt là ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, Hue-S là kênh thông tin giúp người dân nhận các cảnh báo và theo dõi diễn biến tình hình thiên tai, bão lụt, tình trạng ngập lụt qua hệ thống camera. Hue-S đã phát đi 1.808 cảnh báo về thời tiết, thiên tai, bão lụt. Đã tiếp nhận 703 cầu ứng cứu khẩn cấp qua chức năng SOS. Đặc biệt, trong mùa bão lụt năm 2020 đường dây nóng đã tiếp nhận 1.919 cuộc gọi vào, thực hiện 488 cuộc gọi đến bà con cần hỗ trợ.
Xây dựng Hue-S là nền tảng xã hội số
Tham luận tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, đánh giá cao ứng dụng Hue-S, thông qua hệ thống, các vấn đề bức xúc, tồn tại xã hội đã bộc lộ ngày càng nhiều hơn, rõ hơn thông qua sự tham gia phản ánh của người dân. Từ đó cách thức xử lý của cơ quan nhà nước hoàn toàn thay đổi, khắc phục hạn chế những bất cập tồn tại trước đây. Đặc biệt, ngoài cơ quan nhà nước, đã hình thành mô hình doanh nghiệp tham gia vào hệ thống để chung tay xử lý các vấn đề bất cập phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Với tính ưu việt của hệ thống nên sự kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân ngày càng cao từ đó xuất hiện nhiều phản ánh yêu cầu có tính chất phức tạp rất cao, công tác xử lý phải cần nhiều đơn vị, thời gian và kỹ năng trả lời đòi hỏi ngày càng cao. Đồng thời, qua theo dõi cũng có nhiều đối tượng chưa hiểu biết, nhiều đối tượng chống phá đã có những tương tác mang tích kích động, làm sai lệch các kết quả xử lý của cơ quan nhà nước, đòi hỏi việc xác minh, lọc, chặn thông tin ngày càng phức tạp.
Một số ý kiến cho rằng, các phản ánh có yêu cầu phải xử phạt hành chính ngày càng nhiều. Tuy nhiên, số tiền xử phạt còn chưa tương xứng với số lượng phản ánh cần xử phạt. Chủ yếu tập trung vào các xử phạt vi phạm giao thông qua hình thức phạt nguội mà trong đó đối tượng vi phạm không thực hiện theo giấy yêu cầu triệu tập xử lý ngày càng tăng, chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, Hue-S là một kênh tương tác quan trọng giữa người dân và chính quyền. Trong thời gian tới, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế tổng hợp các ý kiến tham luận; Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương để phát huy vai trò của Hue-S; Cần kiện toàn và phải nâng cao hơn nữa, rà soát và tăng cường nâng cao nâng lực của đội ngũ triển khai trực tiếp; Rà soát hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để hoàn thiện Hue-S trở thành 1 nền tảng có cơ sở pháp lý một cách hoàn chỉnh. Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan ban ngành triển khai có hiệu quả các giải pháp, có cơ sở pháp lý một cách chặt chẽ để xử lý ý kiến của người dân và giải quyết các bài toán.
Bên cạnh đó, cần đổi mới trong việc vận hành, phát triển ứng dụng triển Hue-S để thích ứng trong xu thế chuyển đổi số. Đầu tiên là công tác tuyên truyền, làm sao tất cả người dân Huế phải sử dụng Hue-S, những người ở các địa phương khác cũng tiếp cận được Hue-S; đổi mới về mặt nội dung, là bộ lọc trung chuyển để người dân có thể tiếp cận; nâng cao hạ tầng, giao diện.
Về chế tài, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế mạnh dạn tham mưu cho UBND tỉnh để có chỉ đạo quyết liệt; có báo cáo hàng tháng để nhắc nhở các đơn vị xử lý phản ánh kịp thời. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ đưa ra một số giải pháp cụ thể để hoàn thiện, nâng cấp đổi mới Hue-S nâng lên một tầm cao hơn nữa, thực sự trở thành một nền tảng phục vụ cho công tác chuyển đổi số, nâng cao năng lực công tác điều hành của các cấp cơ quan quản lý. Từ đó, xây dựng, đổi mới Hue-S thực sự trở thành hạt nhân, là một kênh quan trọng tương tác và trả lời các ý kiến của người dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định, Hue-S là một nền tảng xã hội số, là điển hình trong việc xây dựng chính quyền thân thiện, hiện đại, vì nhân dân phục vụ. Thông qua Hue-S, khi đã xây dựng được lòng tin của người dân, không chỉ những vấn đề tồn tại trong xã hội được giải quyết một cách rốt ráo mà còn nhận được sự chia sẻ, thông cảm của người dân đối với các vấn đề bất cập trong xã hội.
"Hue-S phải hướng đến để nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, là thước đo năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị; đưa kết quả giải quyết và mức độ hài lòng của người dân trong quá trình xử lý phản ánh hiện trường vào đánh giá năng lực điều hành của các cơ quan, đơn vị. Phải xây dựng Hue-S hướng đến là nền tảng xã hội của tỉnh nhà, nói đến Hue-S là mọi người dân đều biết đến Huế và là niềm tự hào của Huế", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Dịp này, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 3 năm qua nhằm kịp thời động viên quá trình đóng góp, triển khai vận hành các dịch vụ đô thị thông minh, đặc biệt là dịch vụ phản ánh hiện trường.