Festival Huế - bốn mùa lễ hội
Thừa Thiên Huế hiện có 7 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực, trong đó có 5 di sản của riêng Huế, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Hai di sản chung với các địa phương khác: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ (2017). Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh.
Mật độ di sản dày là cơ sở để nhiều nhà nghiên cứu nhận xét, Huế là một bài thơ kiệt tác về kiến trúc đô thị, là một thành phố độc quyền giữ trong mình những kho tàng vô giá, một nhà bảo tàng kỳ lạ của nền văn hóa vật chất và tinh thần của Việt Nam. Đặc biệt, di sản, văn hóa và lễ hội của địa phương này được xác định là thế mạnh, động lực để xây dựng phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, dấu ấn nổi bật của Huế trong việc phát huy lợi thế các di sản, văn hóa để phát triển kinh tế, du lịch, nâng cao đời sống người dân, quảng bá hình ảnh địa phương chính là xây dựng và tổ chức thành công Festival Huế.
Ông Nguyễn Văn Hùng, hướng dẫn viên du lịch đến từ TPHCM nhìn nhận, cứ hai năm một lần, nhân dân Thừa Thiên Huế, du khách và bạn bè trong nước, quốc tế lại đón chào ngày lễ hội này trong niềm háo hức. Với một di sản văn hóa vật thể và tinh thần mang ý nghĩa quốc hồn quốc túy của dân tộc, Huế là một hiện tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới. Cùng với đó, việc bảo lưu diện mạo một kinh đô của triều đại phong kiến Việt Nam, trong đó, các công trình kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên, tạo nên những tiết tấu độc đáo cộng với những lễ hội, âm nhạc, ẩm thực truyền thống được bảo tồn phong phú, đa dạng cùng với nỗ lực của các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh, trong tương lai Huế sẽ trở thành thành phố Festival có tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực và thế giới.
“Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2000 đến nay, Festival Huế đã tạo được dấu ấn rất lớn với những hoạt động văn hóa và nghệ thuật đặc sắc mang tầm quốc tế; mỗi năm (tổ chức năm chẵn với định kỳ 2 năm/lần) đều để lại một ấn tượng, một sức hấp dẫn riêng, xứng đáng là thành phố Festival của Việt Nam”, ông Hùng nói.
Festival Huế - lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, học tập mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới. Đặc biệt, từ năm 2022, Festival Huế được tổ chức theo định hướng lễ hội 4 mùa; lựa chọn những lễ hội tiêu biểu, vừa thể hiện nét văn hóa riêng, vừa có tính đại chúng, cộng đồng, trải dài quanh năm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút đông đảo du khách, mang đến đến hiệu quả kinh tế - xã hội.
Dù “4 mùa lễ hội” nhưng kế thừa và phát huy thành công của các kỳ festival trước đây, Festival Huế vẫn còn đó Tuần lễ Festival, là bữa tiệc đầy sắc màu văn hóa trong kỳ Festival Huế và mới đây nhất diễn ra vào tháng 6-2024 vừa qua. Những thay đổi ngày càng rõ nét qua các kỳ Festival, người dân, du khách có thể thỏa sức thưởng thức những tiết mục nghệ thuật hoành tráng ngay tại các sân khấu mở nằm dọc hai bờ sông Hương, trung tâm TP Huế... Hình thức biểu diễn, sân khấu thay đổi thiết kế nhằm tăng tính tương tác, để Festival Huế tiếp tục là “cầu nối” giữa văn hóa và nghệ thuật.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2024 cho rằng, Festival Huế hiện đã có nhiều thay đổi, điều chỉnh để có những nét tươi mới khi gắn với lễ hội 4 mùa. Các lễ hội đã diễn ra quanh năm thời gian qua, nay được hệ thống, xâu chuỗi lại, hướng đến thành sản phẩm để phát triển du lịch. Festival 4 mùa được tổ chức là để làm tăng, tô đậm thêm cho thương hiệu Festival Huế, dựa trên cơ sở tiếp cận sao cho phù hợp, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu mới của công chúng, du khách gần xa. Việc trải dài cả 4 mùa trong năm sẽ tăng cường xã hội hóa, người dân làm chủ, góp phần tăng tính hấp dẫn của điểm đến đối với du khách trong nước và quốc tế.
“Festival Huế là thương hiệu lớn và đã chuyển dịch dần sang hình thức Nhà nước, chính quyền địa phương “đóng vai” hoạch định, còn cộng đồng, người dân và du khách là chủ thể, từ thụ hưởng sang người cùng tham gia. Ban tổ chức sẽ tiếp tục có những điều chỉnh, đổi mới để có một mô hình tổ chức Festival Huế cũng như lễ hội 4 mùa chuyên nghiệp và đạt hiệu quả trên các phương diện trong thời gian tới”, ông Bình nhấn mạnh.
Xây dựng thành Thành phố Festival đặc trưng
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm, mục tiêu: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và đô thị thông minh... Đến năm 2025 xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao... Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Thừa Thiên Huế cũng nỗ lực khai thác du lịch văn hóa - di sản là chủ đạo, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế, định vị phân khúc cao cấp với tính chất cung đình, mang đặc trưng riêng, độc đáo. Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, du lịch xanh, bền vững. Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thành phố Festival, Kinh đô ẩm thực, Kinh đô áo dài…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, qua các kỳ tổ chức, Festival Huế không những là hoạt động văn hóa đặc sắc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ.
“Các số liệu cho thấy, năm 2019 là đỉnh cao, chúng tôi có khoảng 2 triệu khách quốc tế và 2 triệu khách nội địa. Đó cũng là hiệu ứng từ các kỳ Festival và chúng tôi xoay chuyển bằng cách tổ chức Festival 4 mùa, thay vì chỉ duy trì Festival một tuần như thông lệ”, ông Phương nói.
Có thể khẳng định, Festival Huế đã vượt qua khoảng cách không gian, thời gian, vị trí địa lý, là dịp để giao lưu văn hóa ngôn ngữ, gắn kết tình yêu thương, đoàn kết con người của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, tạo sự hòa nhập quốc tế, đoàn kết gắn bó gìn giữ hòa bình, hợp tác phát triển. Con đường xây dựng, phát triển Huế - thành phố Festival, trung tâm lễ hội của khu vực và thế giới dựa trên thế mạnh di sản, văn hóa Huế là hướng đi bền vững để Huế có thể hội nhập nhưng không hòa tan trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay.