Đây cũng là kỳ Festival đánh dấu chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của một lễ hội văn hóa - nghệ thuật - du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế.
Thích ứng tình hình mới
Bên cạnh 7 chương trình, lễ hội “đinh”, Fesival Huế 2020 diễn ra từ ngày 26 đến 31-8 còn có các hoạt động văn hóa cộng đồng, thể dục thể thao như: Ngày hội áo dài, Liên hoan các câu lạc bộ nghệ thuật toàn quốc, Liên hoan diều, giải đua ghe truyền thống… Ban tổ chức (BTC) Festival Huế đang xây dựng chương trình nghệ thuật chi tiết với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước và các nhóm nhạc do đại sứ quán các nước đề cử.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, một kịch bản tổ chức Festival Huế 2020 hoàn toàn mới nhằm phù hợp với thực tế dịch Covid-19 đang gấp rút triển khai. Thay vì có trên 20 đoàn nghệ thuật quốc tế được chọn biểu diễn theo chủ đề và có sự thưởng thức của đông đảo khách quốc tế thì tại Festival lần này, hầu như chỉ có các đoàn nghệ thuật trong nước. Đây là cơ hội cho các nhà hát và nghệ sĩ trong nước “thi thố” sự sáng tạo, nâng chất nghệ thuật tại sự kiện văn hóa mang thương hiệu quốc tế.
Sự thay đổi lớn nữa là hình thức tổ chức. Trước đây, nhiều chương trình sân khấu hóa, nay tập trung vào những chương trình mang tính cộng đồng, trải nghiệm cao, tạo điều kiện để du khách có thể cùng tham gia với vai trò chủ thể. Đặc biệt, một yêu cầu quan trọng chính là phải đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống Covid-19. “Bên cạnh các Đại sứ quán Pháp, Indonesia, Tây Ban Nha… có sự điều chỉnh phù hợp, cử nghệ sĩ đang hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam tham gia Festival, nhiều quốc gia muốn đưa đoàn nghệ thuật nước mình trực tiếp đến biểu diễn tại Festival Huế 2020.
Song, BTC chưa thể khẳng định vì còn tùy thuộc vào dịch Covid-19 trên thế giới và cả chính sách mở cửa trở lại của Việt Nam”, ông Huỳnh Tiến Đạt chia sẻ. Theo BTC, Festival Huế tiếp tục được tổ chức là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của vùng đất tụ hội tinh hoa văn hóa của dân tộc, là cơ hội để quảng bá điểm đến thân thiện, an toàn của Huế và Việt Nam, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch của địa phương.
Miễn phí vé tham quan di sản Huế
Đến thời điểm này, Huế cơ bản đã sẵn sàng chào đón du khách bằng những dịch vụ tốt, an toàn và thân thiện. Ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cùng với việc miễn phí 100% vé tham quan các di tích Huế cho khách tham quan trong 6 ngày diễn ra Festival Huế, tỉnh đã làm việc với một số đơn vị như: TikTok, fanpage có nhiều lượt người theo dõi, các công ty truyền thông để tăng cường quảng bá cho Festival Huế 2020.
Theo đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, đầu tháng 8, ngành du lịch sẽ tổ chức đón đoàn famtrip là CLB lữ hành UNESCO Hà Nội vào Huế khảo sát và kết nối sản phẩm, đưa khách đến tham quan, trải nghiệm Festival. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp địa phương có sự hợp tác mới với các đơn vị “làm tour” hàng đầu trong nước.
Trong thời gian diễn ra Festival Huế 2020, một số cơ sở lưu trú tại Huế cam kết giảm 20% - 50% giá phòng. Các công ty vận chuyển giảm 20% - 30% cước phí cho du khách. Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty Du lịch Tự hào Việt Nam - Huế, một trong các đối tác của Festival Huế, cho biết, công ty đã xây dựng một số tour 2 ngày 1 đêm nhằm phục vụ nghệ sĩ và du khách dự lễ hội, với số ngày tour phù hợp. Các tour mang tính nghỉ dưỡng và cao cấp, có hỗ trợ về giá tối đa, hứa hẹn giúp các nghệ sĩ, người thân có khoảng thời gian nghỉ ngơi thoải mái khi đến với cố đô dịp Festival Huế 2020.
Khác các kỳ Festival Huế trước đây, lễ hội đường phố - chương trình “đinh” tại Festival Huế lần này được xây dựng kịch bản chi tiết cho từng ngày, nhằm tạo sự độc đáo riêng biệt, thay vì theo một kịch bản chung. Cùng với trình diễn đường phố của các đoàn nghệ thuật, lễ hội đường phố năm nay còn kết hợp trình diễn trang phục truyền thống, những điệu múa đặc trưng các quốc gia ASEAN; tái hiện các lễ hội, điệu múa truyền thống đặc trưng của Huế được phục dựng thời gian qua. |